Ngày 14/7, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn đầu là Cục trưởng Quản lý chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, đã lên Hà Giang để phối hợp làm rõ những bất thường trong kết quả thi THPT quốc gia.
Trả lời báo Tiền phong, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang, cho biết đang thực hiện các khâu của công tác rà soát. Ngày nghỉ, nhưng những người có liên quan được huy động làm việc.
Ông Sử khẳng định đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao tính bảo mật, an toàn của bài thi, theo đúng quy chế như: nơi chấm thi yên tĩnh, cách biệt khu dân cư; lắp camera theo dõi, khi cần thiết thì trích xuất hình ảnh để kiểm tra; công an, thanh tra sở cùng giám sát tất cả khâu...
Một ngày trước, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, ông cho rằng với quy trình làm thi chặt chẽ như hiện nay, việc gian lận là rất khó và "gần như không thể". Cách thi trắc nghiệm với mỗi thí sinh một mã đề, cán bộ coi thi nghiêm túc, có thanh tra, giám sát cắm chốt bên ngoài, thí sinh không thể nhìn bài hay hỗ trợ bạn.
Việc phát hiện gian lận thi cử, theo Thứ trưởng Độ là dễ dàng, bằng cách rà soát quy trình. Quy chế thi cũng cho phép nếu phát hiện bất thường trong kết quả điểm, Bộ có thể chấm thẩm định.
Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi THPT quốc gia, dư luận dấy lên nghi ngờ về kết quả điểm cao bất thường của tỉnh miền núi biên giới Hà Giang. Sự bất thường thể hiện rõ nhất ở môn Vật lý, Hóa học và Toán. Riêng Vật lý, Hà Giang có đến 65 điểm từ 9 trở lên, chiếm 6,7% tổng thí sinh dự thi. Trong khi đó TP HCM với 49.680 thí sinh thi Vật lý chỉ có 39 điểm từ 9 trở lên (0,07%). Tỷ lệ điểm giỏi của Hà Giang cũng gấp 23 lần Hà Nội.
So sánh mức điểm trên 27 khối A (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán, Lý, Ngoại ngữ) giữa Hà Giang và cả nước cũng thấy bất thường. Ở khối A1, cả nước có 76 thí sinh thì Hà Giang tới 36. Khối A, cả nước có 82 điểm trên 27, Hà Giang chiếm gần 1/3. Trong khi đó, phổ điểm hầu hết môn thi THPT quốc gia của Hà Giang đều thấp, dải điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 2-4.
Điều 31 Quy chế thi và xét tốt nghiệp THPT quy định về chấm thẩm định 1. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số Hội đồng thi. 2. Hội đồng chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Cục trưởng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng giáo dục) làm Chủ tịch; Phó cục trưởng hoặc Phó vụ trưởng các đơn vị thuộc Bộ được chọn làm Phó chủ tịch; ủy viên, thư ký là lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ và một số thành viên là những cán bộ, giáo viên, giảng viên có trình độ chuyên môn tốt. 3. Hội đồng chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi. 4. Hội đồng chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng con dấu của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 5. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quyết định việc tổ chức đối thoại hay không đối thoại giữa những người chấm đợt đầu, chấm phúc khảo và chấm thẩm định. |