Ngày 19/11, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50 Hà Nội) thông báo vừa triệt phá đường dây dùng thủ đoạn gọi điện thoại qua Internet tới máy cố định để chiếm đoạt tiền.
Theo cảnh sát, đầu tháng 11, bà Lan ở quận Tây Hồ, trình báo cho hay một người đàn ông gọi điện thoại đến số cố định của gia đình thông báo bà nợ tiền cước gần 9 triệu đồng. Kẻ này còn nói bà liên quan một vụ tiêu cực với tổng số tiền 16 tỷ đồng.
Nêu hướng giải quyết, người ở đầu dây bên kia yêu cầu bà Lan chuyển tiền vào 8 tài khoản ngân hàng. Lo sợ, bà Lan rút tiền tiết kiệm và chuyển gần 2,4 tỷ đồng. Sau đó, bà mới phát hiện bị lừa.
PC50 xác định đây là chiêu lừa cũ và vài ngày sau đã xác định được Vũ Văn Đại (23 tuổi, quê ở Bắc Giang) là mắt xích quan trọng. Đại từng có thời gian sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Anh ta khai khoảng tháng 4, thông qua mạng Facebook xin làm phiên dịch cho hai người Đài Loan. Đại được hai ông chủ thuê dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản ngân hàng, trả công 3,4 triệu đồng một tài khoản.
Theo cách thức được hướng dẫn, Đại thuê Nguyễn Trọng Đức, Đỗ Đình Phương, Nguyễn Xuân Độ, Trần Nguyên Bình, Trần Xuân Hà đi chụp ảnh của nhiều người phục vụ việc làm chứng minh thư giả rồi mở gần 150 tài khoản tại 3 ngân hàng. Giao số này cho hai ông chủ người Đài Loan, Đại được nhận tiền công 500 triệu đồng.
Theo nhà chức trách, 8 số tài khoản bà Lan chuyển tiền nằm trong số các tài khoản do nhóm này mở. Hai người Đài Loan ngoài cáo buộc lừa 2,4 tỷ của bà Lan còn bị cho là đã gây ra 9 vụ tương tự, chiếm đoạt tổng tiền hơn 4,2 tỷ đồng.
Ngoài Đại, giữa tháng 11, lần lượt Đức, Độ, Bình, Hoà bị bắt. Hai người đàn ông Đài Loan đang bị truy tìm.
Ngày 18/11, PC50 đã chuyển vụ việc cho Phòng cảnh sát hình sự để điều tra làm rõ hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Thượng tá Ngô Minh An, Phó Phòng PC50, nhóm tội phạm dạng này thường gọi điện vào buổi trưa, hoặc chiều, thời điểm chỉ có những người trung niên ở nhà để dễ lừa đảo. Ông An khuyến cáo, khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng… người dân phải cảnh giác. Trường hợp có người xưng là công an thì cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, yêu cầu đưa giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó. Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không mua bán, chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy chứng minh nhân dân….
* Tên bị hại đã thay đổi
Việt Dũng