Với cú đúp vào lưới Crystal Palace cuối tuần qua và bàn gỡ hòa 1-1 trước Arsenal hôm 7/7, Jamie Vardy đã sở hữu 102 bàn tại Ngoại hạng Anh. So với những huyền thoại cỡ Alan Shearer, Thiery Henry hay Wayne Rooney, tiền đạo của Leicester kém danh tiếng hơn hẳn trong "CLB 100" - danh sách những chân sút ghi ít nhất 100 bàn tại giải đấu số một xứ sương mù. Nhưng điều đó càng làm tăng sự ghi nhận với tài năng của Vardy, chân sút đã một lần vô địch Ngoại hạng Anh dù năm 2012 còn chơi tận giải hạng Năm - giải đấu của cả những đội chuyên nghiệp lẫn bán chuyên.
Tài năng nở muộn
Thống kê của Vardy càng đáng ngưỡng mộ hơn, xét tới việc anh chỉ bắt đầu góp mặt tại Ngoại hạng Anh khi đã 27 tuổi 232 ngày. Theo Opta, trong số 29 chân sút từng ghi ít nhất 100 bàn tại giải đấu, chỉ Ian Wright là già hơn Vardy khi ra mắt ở tuổi 28 lẻ 286 ngày. Tuy nhiên, Wright thực chất đã chơi ba mùa tại giải hạng Nhất Anh trong màu áo Crystal Palace rồi Arsenal, trước khi giải đấu được đổi tên thành Ngoại hạng Anh như hiện tại từ năm 1992.
Trong khi đó, Vardy chào sân Ngoại hạng Anh cùng Leicester từ mùa 2014-15 sau khi thăng hạng từ giải hạng Nhất. Bàn thắng đầu tiên của anh tại hạng đấu cao nhất của Anh diễn ra trong chiến thắng 5-3 nổi tiếng trước Man Utd, trong trận đấu mà đối phương sở hữu dàn sao thượng thặng Van Persie, Wayne Rooney, Angel Di Maria và Radamel Falcao.
Từ đó tới nay, Vardy thăng tiến thần kỳ. Không tính mùa đầu tiên chỉ ghi năm bàn tại Ngoại hạng Anh, năm mùa giải tiếp theo đều ghi nhận Vardy chạm tới cột mốc hai con số, với ba trong số này là trên 20 bàn. Thống kê của Sky Sports cho thấy Vardy đạt hiệu suất ghi bàn tính theo phút tốt hơn những chân sút đình đám người Anh như Andy Cole, Robbie Fowler, Les Ferdinand và cả cây ghi bàn hàng đầu lịch sử bóng đá Anh Wayne Rooney.
Vardy chỉ mất 206 trận để ghi 100 bàn tại Ngoại hạng Anh, đạt tốc độ nhanh thứ 12 trong lịch sử - trên cả những cầu thủ danh tiếng như Didier Drogba, Romelu Lukaku. Trong số những cầu thủ còn thi đấu, chỉ Harry Kane và Sergio Aguero chạm tới cột mốc trên với số trận ít hơn.
Hiệu quả là thế, nhưng từng có lúc chẳng đội bóng nào dám đặt cược vào chân sút vô danh ở giải hạng dưới này. HLV Sam Allardyce kể về thời gian còn dẫn dắt West Ham: "Cậu học trò cũ Micky Mellon khi ấy dẫn dắt Fleetwood Town đã giới thiệu với tôi về Jamie: 'Thầy nên ký hợp đồng với gã này đi, sẽ chỉ tốn 1 triệu thôi, nhưng hắn là người sẽ thay đổi West Ham. Hắn không còn muốn ở giải hạng dưới mà muốn bước lên cao hơn. Đó sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời".
Nhưng Allardyce không nghe theo Mellon, và đến giờ, vẫn xem như đó là một quyết định khiến ông "luôn hối tiếc mỗi khi nghĩ lại". Nhưng Allardyce không phải người đầu tiên từ chối Vardy. Không chỉ Ngoại hạng Anh, mà ngay cả những đội hạng dưới cũng chần chừ không dám đánh bạc với tiền đạo từng bị đội trẻ Sheffield Wednesday thải loại này.
HLV Mellon chia sẻ với The Courier về quyết định ký hợp đồng với anh từ FC Halifax Town: "Nhiều đội quan tâm tới Jamie, nhưng chẳng ai thực sự nghiêm túc. Tôi nghe nhiều người bảo họ định mua cậu ấy, nhưng cuối cùng lại không làm. Tôi quyết định gặp chủ tịch và khẳng định rằng chàng trai này đáng để đánh cược. Số tiền Fleetwood chi cho Jamie là rất đáng kể, nhưng ngài chủ tịch không hề chùn tay. Đó là quyết định sáng suốt nhất mà hai chúng tôi từng đưa ra, bởi hãy xem chàng trai ấy đã làm được những gì sau này".
Trong mùa bóng duy nhất khoác áo Fleetwood Town, Vardy ghi 34 bàn qua 42 trận. Thành tích ấn tượng kể trên giúp anh được Leicester chiêu mộ năm 2012 với giá 1 triệu bảng - mức phí kỷ lục ở giải hạng Năm. Nhưng thương vụ này lúc ấy không hề được quảng bá rùm beng, bởi Leicester hãy còn đá ở giải hạng Nhất, và cùng ngày hôm đó có hai sự kiện lớn: Roy Hodgson công bố danh sách tuyển Anh dự Euro 2012 và Liverpool sa thải huyền thoại Kenny Daglish.
Từ khởi đầu ít tiếng tăm, Vardy trở thành đầu tàu trên hàng công của Leicester trong chiến tích vô địch Ngoại hạng Anh 2015-2016 dưới trướng Claudio Ranieri. Từ vị thế ứng viên tranh suất trụ hạng, với tỷ lệ vô địch đặt 1 ăn 5000, Leicester mùa đó lần lượt vượt qua hàng loạt đại gia truyền thống để viết nên câu chuyện cổ tích khó tin nhất của bóng đá Anh từ đầu thế kỷ 21. Bản thân Vardy chói sáng với kỷ lục ghi bàn qua 11 trận liền - xô đổ kỷ lục của Ruud van Nistelrooy bằng cách ghi bàn vào chính lưới Man Utd mà chân sút cự phách người Hà Lan từng khoác áo.
Kết thúc mùa giải, Vardy được Hiệp hội Nhà báo Thể thao Anh (FWA) trao giải "Cầu thủ của năm" và về nhì trong cuộc đua Vua phá lưới với 24 bàn thắng. Sau kỳ tích lịch sử trên, những trụ cột như N'golo Kante và Riyad Mahrez đều đã lần lượt tìm tới những chân trời mới. Nhưng Vardy thì khước từ lời đề nghị với mức lương hậu hĩnh từ Arsenal để ở lại Leicester - CLB đã đặt niềm tin vào anh và giúp cầu thủ vô danh này trở thành nổi tiếng toàn cầu.
Tấm gương cho các đồng đội
Quyết định ở lại sân King Power của Vardy giúp những HLV giai đoạn hậu Ranieri hưởng lợi. Cùng Vardy, những cầu thủ đá chính của Leicester mùa giải 2015-16 là Kasper Schmeichel, Wes Morgan và Christian Fuchs vẫn ở lại để đóng góp cho đội bóng. Theo HLV Brendan Rodgers, họ là chìa khóa giúp Leicester trụ vững trước sức ép của cuộc đua giành vé dự Champions League mùa giải tới.
Sau chiến thắng trước Crystal Palace để giữ nguyên vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng, Rodgers ngợi ca Vardy: "Tôi thật may mắn vì có cậu ấy. Jamie sẽ luôn là huyền thoại từ nay cho tới hết thời gian khoác áo Leicester và những gì anh ấy làm chỉ góp phần củng cố vững chắc thêm vị thế ấy. Khó mà trách được các cầu thủ nếu họ muốn chuyển đi nơi khác, vì sự nghiệp cầu thủ vốn rất ngắn, nhưng rõ ràng Jamie đang cảm thấy rất thoải mái tại đây. Cậu ấy tìm được một mái ấm, được CĐV yêu mến, và tôi chắc chắn Jamie sẽ tiếp tục xây dựng một di sản tuyệt vời tại Leicester".
Ở tuổi 33, Vardy vẫn giữ được những phẩm chất giúp anh trở thành một của hiếm của bóng đá Anh: tần suất hoạt động rộng, kỹ năng chọn vị trí, tấn công trực diện và đặc biệt là khả năng bứt tốc nhanh như điện xẹt. Theo The Atheltic, có đến 99 trong tổng số 102 bàn tại Ngoại hạng Anh của Vardy được ghi trong khu vực 16m50, cho thấy khả năng tận dụng cơ hội tuyệt vời của chân sút người Anh. 64 bàn được thực hiện bằng chân phải, 12 lần đánh đầu và 18 pha dứt điểm 11m thành công cho thấy Vardy là một mẫu sát thủ nở muộn, tương tự Luca Toni và Antonio Di Natale của bóng đá Italy.
Nhưng nếu duy trì lề thói sinh hoạt cũ, sẽ chẳng có một Vardy của ngày hôm nay. Trong những cuộc phỏng vấn, anh từng kể về việc thói quen hòa chung kẹo Skittles với rượu Vodka từng khiến quá trình hồi phục chấn thương của mình gián đoạn. Vardy cũng không có thói quen tới phòng tập gym, thường xuyên uống nước tăng lực Redbull và dùng thuốc lá nhai – những thứ không được khuyến khích với các cầu thủ chuyên nghiệp.
Năm 2016, Chủ tịch Aiyawatt Srivaddhanaprabha của Leicester chia sẻ trên một tạp chí Thái Lan: "Khi mới lên chơi tại Championship, cậu ấy từng có lúc uống rượu mỗi ngày và đến sân tập trong tình trạng vẫn còn hơi men. Tôi tới gặp Jamie, và hỏi liệu cậu ấy có muốn hủy hoại sự nghiệp của mình như thế này không, khi đội bóng sẵn sàng thải loại cậu ấy khi hết hợp đồng".
Vardy cho biết anh "thực sự không biết làm gì với cuộc đời mình", khi từ một người chỉ kiếm được 30 bảng mỗi tuần nhờ bóng đá bỗng chốc hưởng mức lương lên đến cả chục ngàn bảng. Srivaddhanaprabha tiếp tục đặt câu hỏi: "Vậy giấc mơ của cậu là gì? Hãy nghĩ xem cậu sẽ làm gì cho đội bóng? Chúng tôi đã đầu tư vào cậu, vậy cậu có sẽ có thứ gì để đáp trả chứ?"
Kể từ đó, Vardy từ bỏ thói quen nhậu nhẹt hàng ngày và tập luyện chăm chỉ hơn trên sân tập. Trên tờ The Guardian, HLV Rodgers thậm chí còn xem Vardy như một hình mẫu: "Jamie cùng những cầu thủ kỳ cựu khác là những người truyền cảm hứng cho cả đội. Cậu ấy luôn rất tập trung vào việc đạt được mục tiêu mà cả tập thể đề ra đầu mùa giải. Khi các trận đấu tới, Jamie cho thấy sự chuyên nghiệp và sẵn sàng. Đây là một cầu thủ đã truyền cảm hứng cho đội bóng vài năm qua và tôi nghĩ rằng cậu ấy giúp đỡ và mang tới sự tự tin cho các đồng đội bởi sự chăm chỉ".
Sau vòng 34, Jamie Vardy đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới Ngoại hạng Anh với 22 bàn. Việc tìm lại cảm hứng ghi bàn sau chuỗi trận tịt ngòi sẽ là động lực lớn cho chân sút này lẫn Leicester trong giai đoạn quyết định. Khi Vardy mới nổi lên mùa giải 2014-2015, huyền thoại Arsenal Ian Wright đã so sánh anh với Salvatore Schillaci – một chân sút nổi danh muộn, tới World Cup 1990 với tư cách cầu thủ dự bị và kết thúc giải với danh hiệu Vua phá lưới.
Với Vardy, cơ hội để dự giải đấu lớn cuối cùng với tuyển Anh chưa hẳn đã khép lại. Sau World Cup 2018, anh đã từ giã đội tuyển và đề nghị HLV Gareth Southgate chỉ gọi mình trở lại nếu đội bóng "gặp khủng hoảng chấn thương". Tuyển Anh hiện tại không gặp vấn đề về lực lượng, nhưng chắc chắn những Marcus Rashford, Jadon Sancho hay thậm chí Mason Greenwood sẽ được hưởng lợi nhiều từ kinh nghiệm của một cầu thủ như Jamie Vardy.
Thịnh Joey