Khu vực xây dựng nằm trên rừng sản xuất cách khu dân cư hơn 5 km. Nơi đây từ tháng 2/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư dự án hồ thủy lợi Hố Khế, kinh phí hơn 130 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó, chi phí xây lắp công trình gần 94 tỷ đồng; bồi thường, giải phóng mặt bằng 36,5 tỷ.
Dự án có vai trò cải thiện môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và nâng cao diện tích chủ động nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại của xã Tiên Lãnh và huyện Tiên Phước.
Cuối tháng 2 vừa qua, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam phối hợp với huyện Tiên Phước, xã Tiên Lãnh tổ chức họp dân, công bố chủ trương đầu tư, thông báo đến các hộ dân việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Sau cuộc họp, người dân đổ xô san lấp mặt bằng, mua cát, gạch, xi măng, sắt thép, thuê thợ xây dựng những ngôi nhà, chuồng trại tạm bợ, không đào móng, không đổ bêtông, chủ yếu lợp ngói xi măng.
Một người dân cho hay đã chặt hạ vạt gỗ keo làm chuồng nuôi dê rộng 40 m2. Do khu vực này nằm trong núi nên tiền vận chuyển vật liệu tốn kém, công trình hoàn thành trong 5 ngày, hết gần 30 triệu đồng. "Công trình xây tạm bợ để khi dự án hồ Hố Khế triển khai thì được đền bù", người này giải thích.
Ông Bùi Sang, Chủ tịch xã Tiên Lãnh, cho biết có 25 hộ dân xây dựng hơn 60 công trình trái phép. Chính quyền đã lập biên bản xử lý vi phạm, đồng thời vận động người dân chủ động tháo dỡ công trình, nếu không sẽ bị cưỡng chế và xử phạt hành chính.
Phó chủ tịch huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh cho biết UBND huyện đã phê bình Chủ tịch xã Tiên Lãnh trong công tác quản lý đất đai, xây dựng; chưa theo dõi, quản lý, bảo vệ hiện trạng, chưa xử lý kịp thời các hành vi vi phạm tại khu vực triển khai dự án hồ Hố Khế.
Lãnh đạo huyện Tiên Phước đã chỉ đạo xã Tiên Lãnh tổ chức kiểm soát các tuyến đường vào khu vực triển khai dự án, nghiêm cấm phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, không để người dân có điều kiện tiếp tục xây dựng công trình trái phép.
"Những trường hợp không tự tháo dỡ công trình vi phạm cần được xác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, tiến hành cưỡng chế. Nếu vượt thẩm quyền, xã báo cáo UBND huyện giải quyết", ông Hùng Anh nói.