Mỗi năm, với khoảng 10 triệu học sinh tham dự, kỳ tuyển sinh đại học cao khảo (gaokao) ở Trung Quốc được xem là kỳ thi khốc liệt nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo giáo sư Xiaogang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội ứng dụng, còn một kỳ thi khác khó hơn gaokao, là thi sau đại học - khảo nghiên (kaoyan).
Năm 2022, khoảng 4,57 triệu người đăng ký thi sau đại học, tăng 21% so với 2021. Trong khi thí sinh tăng kỷ lục, số lượng các chương trình sau đại học không theo kịp mức tăng này, nên tỷ lệ chấp nhận năm nay giảm 24%. Trong thập kỷ qua, sự cạnh tranh trong kỳ thi sau đại học trở nên gay gắt đến mức những người tham dự nói rằng nó đã trở thành "gaokao phiên bản cấp cao".
Vượt qua gaokao và trúng tuyển đại học là thành tích có thể tự hào, nhưng hiện nay, bằng đại học đang dần trở nên phổ biến. Từ khi Trung Quốc mở cửa hệ thống giáo dục đại học vào cuối những năm 1990, tỷ lệ nhập học gaokao đã tăng từ 34% năm 1998 lên 92% năm 2021.
Do đó, những sinh viên muốn khẳng định mình trên thị trường lao động, nếu không thể trúng tuyển các trường hàng đầu châu Á như Thanh Hoa, Bắc Kinh, sẽ phải tìm đến kỳ thi sau đại học. Họ coi đây là cơ hội thứ hai để chứng tỏ bản thân nhằm có công việc tốt sau này.

Học sinh Trung Quốc thi đại học. Ảnh: SCMP
Theo khảo sát, những người thi sau đại học năm nay chủ yếu là tân cử nhân, lứa học sinh trúng tuyển đại học vào năm 2018 - năm mà số thí sinh dự thi gaokao tăng 910.000 người so với năm liền kề trước đó. Hiện thị trường việc làm cũng cạnh tranh hơn do tác động của Covid-19.
Ông Xiaogang nhận định, việc bùng nổ số lượng thí sinh đăng ký sau đại học khiến Trung Quốc đối mặt với vấn đề "tương đối khó chịu": lực lượng lao động được đào tạo quá mức cần thiết. Nói một cách dễ hiểu, trình độ học vấn của một cá nhân vượt quá yêu cầu công việc của họ. Tình trạng này đã xảy ra ở một số quốc gia có nền kinh tế công nghiệp phát triển. Đến đầu thế kỷ 21, tỷ lệ học quá cao ở Mỹ là 20%, Anh 22%. "Đây là hệ quả của việc lạm phát bằng cấp, cụ thể là lạm phát bằng đại học, trong 50 năm qua", ông nói.
Ở cấp độ cá nhân, học quá cao khiến con người ít được hưởng lợi từ việc đi học hơn trước, đồng thời giảm hài lòng về công việc có được do bằng cấp mang lại. Ở quy mô xã hội, lạm phát giáo dục thể hiện sự lãng phí to lớn về đầu tư con người.
Giữa năm 2021, một nhà máy thuốc lá ở tỉnh Hà Nam trở thành tâm điểm của tranh cãi khi cho biết một phần ba trong số 135 công nhân mới được tuyển dụng có bằng thạc sĩ, còn lại là sinh viên đại học sắp tốt nghiệp những trường hàng đầu Trung Quốc. Công việc của họ sau khi vào nhà máy là chế biến và cuộn thuốc lá - vốn chỉ cần đảm nhiệm bởi một người tốt nghiệp cấp ba.
Giáo sư Xiaogang nhận định giáo dục mang ý nghĩa to lớn trong văn hóa Trung Quốc. Trong khi Mỹ, Anh đã thay đổi vấn đề này, với ngày càng nhiều học sinh trung học chọn các hướng đi khác thay vì học đại học. Tư duy của người dân Trung Quốc vẫn là học càng cao, ở bất kỳ lĩnh vực nào, càng tốt.
"Chính vì lý do này, người trẻ Trung Quốc sẽ luôn đuổi theo bằng đại học và cao học. Nếu tư duy 'quan trọng hóa' bằng cấp không thay đổi, các kỳ tuyển sinh của Trung Quốc càng trở nên căng thẳng hơn", ông Xiaogang bày tỏ.
Thanh Hằng (Theo Sixth Tone)