Không chỉ mua thực phẩm, Nhi Châu (quận Bình Thạnh, TP HCM) gần đây tăng chi tiêu cho các loại nến, tinh dầu và rau củ quả như sả, chanh...Mỗi tối, cô đốt nến thơm khoảng 1-2 tiếng lúc cần thư giãn để đọc sách, xem phim. Có đêm, cô đốt tinh dầu lavender để ngủ sâu hơn.
Hôm nhiều thời gian rảnh, Châu tự nấu nước sả, thêm vài lát chanh và muối biển, dùng để xông nhà cho thơm, đuổi côn trùng...Nếu đau đầu hay cảm nhẹ, cô cũng dùng cách này. "Cảm giác tự biến ngôi nhà của mình thành homespa, tự trị liệu cho cơ thể và tinh thần mình cũng rất thú vị", Nhi Châu nói.
Hoài Anh (quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng cho biết mua nhiều sách hơn để dọc và tham gia thêm các khóa học trực tuyến trong thời gian giãn cách. Mới đây, cô cũng mua thêm một set sữa tắm có mùi thơm yêu thích. Ngoài ra, cô cho biết trước đó còn mua thảm tập yoga để thông hóa đầu óc sau giờ ngồi vào bàn làm việc.
Việc xuất hiện ngày càng nhiều những nhu cầu này trong mùa dịch giúp cho một số doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ chăm sóc tinh thần đang "ăn nên làm ra".
Theo đó, thương hiệu nến thơm thủ công Kofuku dù mới bắt đầu kinh doanh cuối tháng 5 nhưng cho biết đã ở trạng thái quá tải trong những tuần đầu tiên. "Chúng tôi nghĩ điều này cho thấy càng ở nhà, càng gặp vấn đề với bên ngoài, mọi người càng có nhu cầu quay vào bên trong chăm sóc tinh thần chính mình nhiều hơn", đại diện Kofuku nói và cho biết khách hàng còn tìm mua để tặng người thân bạn bè, bởi nhu cầu quan tâm, chăm sóc tinh thần cho những người xung quanh cũng tăng cao.
Ngoài nến thơm, tinh dầu, sách...các sản phẩm thủ công cũng được dịp phát triển. Trên một nhóm cộng đồng mạng xã hội, tập hợp những người yêu tô màu số hóa với hơn 36.700 thành viên, thông tin yêu cầu đặt mua tranh giao ngay xuất hiện liên tục, chủ yếu đến từ các khách hàng Hà Nội, TP HCM.
Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Nhương, Giám đốc công ty tranh số hóa Dali, trụ sở tại Hà Nội, xác nhận phong trào tô tranh số hóa phổ biến tại Việt Nam một năm trở lại đây và càng phát triển mạnh mẽ trong gian đoạn bùng phát Covid-19. Công suất sản xuất tranh của công ty tăng khoảng 2-3 lần so với trước dịch. Riêng những cao điểm dịch, tăng gấp 4 lần.
Khách thường mua thử một tranh rồi đặt mua thêm cùng lúc 4-5 tranh. "Nhiều người cả đời chưa cầm bút vẽ nên giờ có thời gian ở nhà tô tranh khiến họ rất hào hứng. Ngoài ra, nhiều khách cho biết việc cả nhà cùng tô tranh với nhau, cũng là cách họ kết nối yêu thương", ông nói và cho rằng dù đơn hàng tăng cao nhưng chưa giao được nhiều vì khách đang ở trong vùng dịch.
Theo báo cáo mới công bố hôm 6/8 của iPrice, hiện mức tìm kiếm liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần tăng 61% so với năm 2019 (thời điểm trước khi xuất hiện Covid-19), theo dữ liệu phân tích từ Google.
Trong đại dịch, người Việt chủ yếu chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng cách sử dụng hương thơm, ánh sáng. Sản phẩm nến thơm được quan tâm nhiều nhất, với lượt tìm kiếm tăng 481% trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ 2019, và tăng 142% so với năm 2020. Tương tự, lượt tìm kiếm đèn trị liệu cũng tăng lần lượt 236% và 106%.
Các sản phẩm hỗ trợ giảm căng thẳng, lo âu như chăn trọng lượng, sách tô màu, máy mát xa lưng và cổ, cũng được tìm nhiều hơn, lần lượt là 176%, 105% và 90% so với năm 2019. Trà thảo mộc, tinh dầu có mức tăng là 75% và 56%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch gây khủng hoảng đến sức khỏe tâm thần hay sức khỏe tinh thần của người dân theo nhiều cách khác nhau, từ nỗi lo lắng bị nhiễm bệnh, tác động tâm lý khi giãn cách xã hội đến sự căng thẳng liên quan đến tài chính như thất nghiệp và liên kết xã hội.
Do vậy, xu hướng tìm mua các sản phẩm, dịch vụ để trị liệu tinh thần cũng là điều dễ hiểu. Xu hướng tiêu dùng này không chỉ ghi nhận ở Việt Nam mà còn phát triển mạnh hơn tại các nước lân cận.
Theo thông tin của iPrice, Indonesia, Philippines và Malaysia có lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cao nhất trong 5 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm 2019 là 231%, 128% và 109%.
Báo cáo đánh giá, ở một số nước láng giềng, khi các làn sóng lây nhiễm kéo dài, tỷ lệ tự sát đã trở nên báo động. Ví dụ, tỷ lệ tự tử ở Malaysia đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái và năm 2019. Tỷ lệ này ở Philippines cũng tăng gần 26% khi đại dịch bùng phát, Thái Lan với khoảng 22% so với năm 2019. Tại Việt Nam, nguy cơ rối loạn tâm thần gia tăng trong đại dịch cũng đã được vài chuyên gia y tế cảnh báo gần đây.
"Vậy nên, sức khỏe tâm thần bị 'tác động tàn phá' từ đại dịch là không hề nhỏ, đặc biệt khi đối mặt với làn sóng Covid-19 liên tiếp", báo cáo khuyến nghị người tiêu dùng cần có ý thức bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân, tìm kiếm sự can thiệp của chuyên gia tâm lý và dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi cần thiết.
Viễn Thông