Chị Ngọc nâng mũi theo phương pháp bán cấu trúc, với 2/3 sóng mũi là sụn surgiform của Mỹ kết hợp 1/3 đầu mũi là sụn tai. Nhân viên cơ sở thẩm mỹ tư vấn sụn này có tính chất mềm dẻo, giúp dễ uốn cong và cắt gọt tạo hình sống mũi trong quá trình phẫu thuật, đồng thời tạo dáng mũi chuẩn và tự nhiên nhất.
Ngoài ra, chị Ngọc còn tiêm filler (chất làm đầy) tan mỡ vùng hai bên má với giá 33 triệu đồng. Tết năm ngoái, chị đã chi gần 170 triệu đồng để nâng ngực và làm răng sứ.
"Sắp tới, nếu cơ thể còn khuyết điểm gì mình sẽ sửa bổ sung", chị Ngọc nói và thêm rằng, gần Tết là thời gian dư giả về tiền bạc, đồng thời các cơ sở thẩm mỹ có nhiều ưu đãi nên rất phù hợp để làm đẹp. Năm nay, chị còn muốn tắm trắng, chăm da, nâng cơ, nhưng chưa sắp xếp được thời gian để can thiệp.
"Tôi cũng biết đã có nhiều ca tai biến thẩm mỹ do không thực hiện ở cơ sở uy tín hoặc bác sĩ không có tay nghề nên bản thân rất thận trọng khi làm đẹp", chị Ngọc chia sẻ.
Tương tự, công việc cuối năm bận rộn, phải thức đêm để trả nợ deadlines (thời hạn), cộng thêm thời tiết lạnh và khô khiến làn da của Mai, 26 tuổi, nhân viên marketing tại Hà Nội, sạm đen, nổi mụn, xuất hiện nếp nhăn. Không muốn đón Tết với làn da kém sắc, Mai vay của bạn 30 triệu đồng để mua gói trị liệu da cấp tốc. Cô nói đây mức giá cao so với thị trường, nhưng cơ sở chăm sóc da được bạn bè giới thiệu, có nhiều phản hồi tốt nên "đánh liều" để có vẻ ngoài ấn tượng khi du xuân.
Chị Ngọc hay Mai là hai trong số nhiều trường hợp muốn làm đẹp cấp tốc khi Tết đến. Khảo sát về xu hướng tiêu dùng dịp Tết của Q&Me (dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam) năm 2021, quy mô khoảng 2.000 phụ nữ, hơn 74% người cho biết trang phục và mỹ phẩm là khoản bắt buộc phải chi. Hơn 22% người tiêu khoảng 3-5 triệu đồng để chăm sóc sức khỏe và sắp đẹp.
Hơn 11% người được hỏi cho biết họ chấp nhận chi trả 10-15 triệu đồng để làm đẹp trước Tết. Đối với phụ nữ độc thân, đây là khoản chi lớn nhất, khoảng 3,4% chi từ 20 triệu trở lên. Khảo sát cũng cho thấy phụ nữ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng có xu hướng chi tiêu cho bản thân nhiều hơn trước mỗi dịp lễ.
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh, Phó Khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cũng cho rằng giáp Tết là mùa "vàng" của dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da, do đó lượng khách hàng tăng là quy luật tự nhiên. Hiện đơn vị ghi nhận tăng nhưng chưa thống kê số bệnh nhân cụ thể, doanh thu của khoa thẩm mỹ năm nay đã trở lại mức trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Các bệnh viện tại Hà Nội như Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Bưu Điện, Bệnh viện Bạch Mai... cũng ghi nhận số ca đến làm đẹp tăng từ 20 đến 30%. Do cận Tết, nhiều chị em chọn các phương pháp làm đẹp cấp tốc như thải độc tố da, lăn kim tái tạo da, tẩy tế bào chết, nâng cơ, trẻ hóa, tắm trắng, căng chỉ, tiêm botox, filler...
Theo bác sĩ, lý do chị em chi mạnh tay làm đẹp xuất phát từ nhu cầu và tâm lý "một năm có một ngày Tết". Trong đó, đa số đều có thu nhập cao hoặc tích lũy để chi cho việc thẩm mỹ. Một số người khác bị "body shaming", tức bạn bè, người thân miệt thị ngoại hình, dẫn đến tâm lý tự ti, quyết tâm bằng mọi giá phải đẹp trước Tết, bất chấp hậu quả.
Như Vy, 25 tuổi, Tết năm nào cũng phải nghe lời nhận xét của họ hàng "sao năm nay trông béo hơn", hay "đi làm vất vả quá nên trông đen hẳn đi", khiến cô mệt mỏi, không muốn trả lời. Bởi vậy, cận Tết, cô sắm nhiều quần áo mới, tiêm mesotherapy với liệu trình ba lần, chi phí 10 triệu đồng, tại một spa. Đây là liệu pháp tiêm tinh chất trực tiếp vào da và được quảng cáo sẽ giúp làn da săn chắc, bóng, trắng sáng nhanh.
Ba ngày sau, cô bị sốt cao, mặt chảy nhiều dịch mủ, nhập viện được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng da lan tỏa, phải dùng kháng sinh liều cao. "Bác sĩ nói mặt của tôi khá nhiều mụn, là trường hợp không được dùng mesotherapy, nhưng nhân viên spa vẫn làm gây hậu quả nghiêm trọng", Vy nói.
Theo bác sĩ Thịnh, những dịch vụ can thiệp quá mức hoặc cùng một chỗ trên cơ thể như cắt mí mắt, sửa mũi, tiêm filler, tạo lúm đồng tiền hoặc nâng ngực, cắt da mỡ bụng... khiến mức độ rủi ro tăng cao gấp nhiều lần khi đưa lượng lớn thuốc gây tê hoặc gây mê vào người. Những cuộc mổ lớn nếu thực hiện cùng lúc sẽ tăng nguy cơ chảy máu, mất máu, nhiễm trùng và khó khăn trong việc hồi phục sức khỏe sau mổ.
"Chúng tôi luôn khuyên khách hàng làm đẹp chừng mực, chia nhỏ từng phần, từng giai đoạn thì sẽ an toàn hơn rất nhiều", bác sĩ Thịnh nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo làm đẹp cần có thời gian, không đại tu nhan sắc cấp tốc và dùng dịch vụ kém chất lượng. Khách hàng khi can thiệp xong cần chờ 3-6 tháng mới có kết quả thực sự, tránh tư tưởng muốn đẹp ngay, gây áp lực cho bản thân và cả bác sĩ.
Trước khi trùng tu nhan sắc, nên có sự chuẩn bị, tham khảo ý kiến chuyên gia, lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín để đảm bảo an toàn. Đồng thời, không chạy theo xu hướng, nên lựa chọn dịch vụ làm đẹp hợp lý, phù hợp lứa tuổi... để tránh "tiền mất, tật mang".
Minh An - Mỹ Ý
*Tên nhân vật được thay đổi