Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây suy thoái nền kinh tế, vàng trở thành thứ được người tiêu dùng và các nhà đầu tư khắp thế giới săn đón, đẩy giá lên mức kỷ lục 2.000 USD/ounce tháng trước.
Nhu cầu về vàng gia tăng cũng thúc đẩy sự bùng nổ của ngành công nghiệp khai khoáng bất hợp pháp ở quốc gia giàu tài nguyên Indonesia, khiến các lao động bất chấp nguy cơ bị bắt, bị ngộ độc thuỷ ngân hay trở thành nạn nhân của những cuộc đấu súng.
Mustafa, một người đàn ông có hai con, nằm trong số hàng trăm người chơi trò mèo vờn chuột hàng ngày với giới chức ở tỉnh Papua, khi họ tìm kiếm vàng ở một con sông gần Grasberg, một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới.
Vào một ngày đẹp trời, Mustafa thu thập được một gram vàng bằng cách sàng bùn bằng bộ lọc vải và có thể bán cho một thương nhân địa phương với giá khoảng 800.000 rupiah (55 USD), số tiền không nhỏ với một trong những nơi nghèo nhất ở Indonesia.
Những người đào mỏ ở đây không dùng thuỷ ngân, ông nói, nhưng có nhiều mối nguy hiểm khác đang rình rập vùng lãnh thổ cực đông hiểm trở của Indonesia. Nỗi lo sợ bị bắt hay bị kẹt trong các cuộc đối đầu chết người giữa lực lượng an ninh và các phiến quân luôn hiện diện.
"Chúng tôi đến đây nhiều hơn trong suốt đại dịch vì giá vàng tăng vọt", Mustafa nói. "Chúng tôi có nguy cơ bị lực lượng an ninh bắt giữ, nhưng không có lựa chọn nào khác vì chúng tôi cần tiền để nuôi gia đình".
Công việc gian khổ này còn dẫn tới nguy cơ mắc Covid-19 hoặc nhiễm trùng da do lội qua vùng nước đầy chất thải từ mỏ gần đó.
"Rất nguy hiểm cho sức khỏe của chúng tôi. Tôi và một số bạn bè đã mắc bệnh ngoài da", ông nói. "Nhưng tạ ơn chúa trời, đến nay chưa có ai mắc Covid-19".
Ở cách đó hàng nghìn km về phía tây tại Kalimantan, một khu vực thuộc đảo Borneo, cảnh sát tháng này đã bắt 400 thợ đào vàng bị cáo buộc hoạt động trái phép ở khu vực được bảo tồn. Họ có thể bị phạt tới 15 năm tù.
Tại đây, nguy cơ nhiễm thuỷ ngân với cả thợ mỏ lẫn môi trường đều rất nghiêm trọng, Sustyo Iriyono, giám đốc ngăn ngừa và bảo vệ rừng thuộc Bộ Môi trường nước này, cho hay.
"Các vụ bắt giữ gần đây ở Kalimantan cho thấy quy mô hoạt động bất hợp pháp là rất lớn", ông nói.
Trong khi Bộ Môi trường chưa có dữ liệu cụ thể, ông Iriyono cho biết hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp đã tăng đột biến trên toàn Indonesia, bao gồm cả đảo Java đông dân cư và vùng Sumbawa xa xôi.
"Giá vàng tăng cao trong thời kỳ đại dịch là yếu tố kích thích đằng sau hoạt động bất hợp pháp này", ông nói. "Họ đang kiếm lợi nhuận bằng cách phá hủy môi trường. Chúng tôi đang cố gắng tìm ra giải pháp".
Nhà hoạt động môi trường Aiesh Rumbekwan cho biết "sự gia tăng lớn" hoạt động khai khoáng xuất phát từ những người không còn cách nào khác nuôi sống gia đình của họ trong nền kinh tế bị đại dịch tàn phá. Viện trợ của chính phủ cho nhiều vùng của quốc đảo rộng lớn này diễn ra chậm chạp.
"Những người khai thác trái phép thường sử dụng thủy ngân để đẩy nhanh quá trình, điều đó sẽ gây hại cho môi trường và những nơi mà hoạt động này kết nối với các nguồn nước như hồ hoặc sông", Rumbekwan, người đứng đầu mạng lưới môi trường Walhi ở Papua, nói. "Điều đó có thể dẫn đến một thảm họa sinh thái".
Indonesia đã cấm những người khai thác thủ công sử dụng thủy ngân vào năm 2017. Tuy nhiên kim loại nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra khuyết tật ở trẻ em sơ sinh, vẫn có thể mua ở chợ đen.
Sinh kế của ít nhất một triệu người Indonesia được hỗ trợ bằng việc khai thác mỏ quy mô nhỏ, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cơ quan thúc đẩy các công nghệ không chứa thủy ngân.
Bất chấp những biện pháp hạn chế trong đại dịch, có những báo cáo cho hay các nhà khai thác không giấy phép đã đưa rất nhiều người trong nước đến các địa điểm khai thác tạm thời trên khắp cả nước, những nơi lâu nay dễ xảy ra tai nạn chết người.
"Không có sự kiểm soát nào từ chính quyền", Rumbekwan nói.
Anh Ngọc (Theo AFP)