"Lần đầu thấy IWC tôi không bất ngờ lắm, nhưng khi thấy Jaeger-LeCoultre ở Tần Hoàng Đảo thì kinh ngạc? Ai sẽ mua sản phẩm đắt đỏ này?", Shan thắc mắc.
Tần Hoàng Đảo là thành phố hạng 3 hoặc hạng 4, cư dân có mức sống trung bình.
Li Wei, 30 tuổi, từng choáng ngợp khi từ quê đến Thượng Hải hơn chục năm trước. Giờ cô sốc lần hai khi thấy quê nhà Vĩnh Khang, ở Chiết Giang ngập tràn hàng hiệu như Arc'teryx, Lululemon, Salomon. "Khoảng cách tiêu dùng giữa thị trấn nhỏ và đại đô thị đang mờ dần", cô nói.
Quan sát của Shan và Li phản ánh một xu hướng mới. Chi tiêu ở các thành phố nhỏ Trung Quốc đang tăng nhanh hơn các đô thị lớn, kéo theo làn sóng mở rộng của nhiều thương hiệu cao cấp. Một số nơi thậm chí còn bắt đầu định hình xu hướng tiêu dùng cho cả nước.

Trung tâm thương mại Pangdonglai Times Plaza ở Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, năm 2025. Ảnh: Sixthtone
Trung Quốc có khoảng 700 thành phố, được chia thành nhiều hạng dựa trên dân số và quy mô kinh tế. Các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh thuộc hạng một, Trịnh Châu hạng hai, còn Tần Hoàng Thảo và Vĩnh Khanh hạng ba, bốn.
Năm ngoái, chi tiêu bình quân toàn quốc tăng 5%. Nhiều thành phố hạng 3 và 4 vượt mức này, trong khi các đô thị lớn như Thượng Hải chỉ 0,4%.
Các khảo sát độc lập khác ghi nhận xu hướng tương tự.
Đà tăng trưởng này đang hút các doanh nghiệp hàng hiệu và xa xỉ. Moncler xuất hiện tại Tế Nam và Hợp Phì; Glashütte Original, hãng đồng hồ Đức, mở liền bốn cửa hàng ở các thành phố như Đông Quan và Ngân Xuyên. Riêng Balenciaga đã gây "sốt" khi có mặt ở Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương xa xôi hồi tháng 12.

Một triển lãm xe điện ở tỉnh Sơn Đông. Ảnh: Sixthtone
Lý do cơ bản được cho là thu nhập của người dân ở các thành phố nhỏ tăng nhanh hơn. Trong nửa đầu năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở các thành phố hạng 3-4 tăng 5,8%, cao hơn 1% của các thành phố hạng 1-2.
"Với mức lương và chi phí đất đai thấp, doanh nghiệp có thể phát triển nhanh chóng bằng cách áp dụng mô hình từ khu vực phát triển hơn", nhà đầu tư Wang Qiang của Ruwu Ventures, nói.
Một xu hướng khác là các hộ gia đình ở các thành phố nhỏ chi tiêu nhiều hơn. Ví dụ, tại Thượng Hải, các hộ gia đình chi 60% thu nhập cho hàng tiêu dùng, trong khi tại Vĩnh Châu, ở Hồ Nam, tỷ lệ này lên tới 80%. Chi phí nhà ở thấp giúp họ có thêm tiền ăn tiêu.
Các thị trường nhỏ đang trở thành nơi tiêu thụ chính của trái cây đắt tiền như sầu riêng, việt quất và anh đào, theo Zhang Yujing, quản lý vận hành thị trường tại Benlai, nền tảng giao hàng thực phẩm tươi trực tuyến.
Khi mới thành lập năm 2012, Benlai tập trung vào các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu và Bắc Kinh, nhưng hiện hơn 1/3 doanh thu của họ từ các thành phố nhỏ.
Một số thương hiệu thành công nhất của Trung Quốc đang phát triển từ tỉnh lẻ. Ví dụ chuỗi đồ uống Mixue bắt đầu từ các thành phố nhỏ ở tỉnh Hà Nam trước khi lan rộng toàn cầu. Thương hiệu hamburger Trung Quốc Tastien cũng khởi đầu từ tỉnh Giang Tây và hiện có hàng chục cửa hàng tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
"Những công ty này hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường tầng thấp, nhóm người tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn ở Trung Quốc", Wang Qiang cho biết. "Rất có thể các thành phố hạng 1-2 sẽ là điểm đến cuối cùng của họ, chứ không phải điểm khởi đầu".