Thời khắc đó, người phụ nữ 42 tuổi ở Hà Nội cảm giác như "trời đất sụp đổ dưới chân". Cô không tin chồng có thể phản bội người đã cùng mình vượt mọi gian khó, khổ ải khi còn trẻ.
Hải Thanh và Văn Minh yêu nhau từ cấp ba, kết hôn sau khi tốt nghiệp đại học. Hơn mười năm trước, họ cùng nhau mở công ty chuyên nhập khẩu và phân phối đồ trẻ em. Kinh tế khá lên, Thanh nghỉ làm ở nhà chăm sóc gia đình, bàn giao toàn bộ việc kinh doanh cho chồng. Nhưng cũng từ đó, anh Minh đi sớm về muộn, nhiều năm quên sinh nhật vợ, thậm chí không nhớ hai con học đến lớp mấy. Bị trách móc, anh viện cớ quá bận, không thể ghi nhớ hết mọi thứ.
Nửa năm trước, Thanh phát hiện chồng ngoại tình. Anh Minh thú nhận không còn tình cảm với vợ bởi từ lâu họ không còn chung suy nghĩ, khoảng cách tư duy ngày càng lớn. Anh còn so sánh ngoại hình, kỹ năng giao tiếp của vợ với những đồng nghiệp khác. Nghe xong, Thanh chỉ biết câm nín, lẳng lặng soạn đơn ly hôn.
"Giờ tôi mới hiểu, đàn ông thành công, giàu có thường dễ đổi vợ. Muốn biết tâm địa của họ, đợi đến khi anh ta có mọi thứ trong tay", cô nói.
Thạc sĩ Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) cho rằng kết luận của Hải Thanh về đàn ông là không đúng.
"Mấu chốt của những mối quan hệ tan vỡ thường đến từ cả hai phía. Đó là khi tình yêu không được nuôi dưỡng, chăm sóc sẽ nảy sinh mâu thuẫn về lối sống giữa vợ và chồng", chuyên gia nói.
Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cũng khẳng định điều này. Theo đó, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến khủng hoảng hôn nhân là mâu thuẫn về lối sống, chiếm 27,7%; ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%; bạo lực gia đình chiếm 6,7%; sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%.
Trong khảo sát của VnExpress với gần 1.100 độc giả với câu hỏi "Bạn có từng chứng kiến bạn bè, người thân chia tay bạn đời sau khi thành công?", 87% trả lời có, trong đó 50% cho rằng hơn một nửa những cặp vợ chồng họ biết đã xảy ra tình trạng này.
Bà Linh Nga cho rằng việc vợ chồng chia tay sau khi thành công trong sự nghiệp không phải hiện tượng mới. Không ít người nổi tiếng như vợ chồng tỷ phú Jeff Bezos (năm 2019) và Bill Gates (năm 2021) cũng "đường ai nấy đi" dù trước đó chuyện tình của họ được nhiều người ngưỡng mộ.
"Nguyên nhân đầu tiên của hiện tượng này chính là thiếu thời gian và sự quan tâm tới bạn đời. Khi một người thành công, họ sẽ dành nhiều tâm huyết cho công việc, không đủ thời gian chất lượng cho đối phương khiến bạn đời cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi", bà Nga nói.
Chuyên gia chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Thứ nhất, người thành công thường bị cuốn vào công việc nên không làm tròn vai trò làm vợ hoặc làm chồng, dẫn đến sự mất cân bằng trong mối quan hệ. Một người ra ngoài thường xuyên hơn trong khi người còn lại gánh vác thay công việc gia đình nên thường nảy sinh tâm lý ghen tuông, tự ti và cảm giác không kiểm soát được bạn đời.
Nguyên nhân thứ hai là người thành công có nhiều mối quan hệ xã hội, bản thân họ lại có sức hút với người khác giới bởi sự giàu có và thành đạt. Một khi xa nhà (việc không hiếm diễn ra do đặc thù công việc) họ dễ dàng có những mối quan hệ ngoài luồng từ những người sẵn sàng đến với mình.
Một lý do nữa là sự phát triển không đồng bộ giữa vợ và chồng, hay còn gọi là sự phát triển ngược hướng. Theo đó, khi một người thành công, suy nghĩ về sự phát triển bản thân và giá trị của họ sẽ thay đổi. Nếu bạn đời không cập nhật, thích nghi và đồng hành, khoảng cách về tư duy giữa hai người ngày càng lớn. Người thành công khi đó sẽ hay phàn nàn so sánh bạn đời với người khác, khiến đối phương tự ti, cảm thấy thấp kém và bị tổn thương.
"Dù nguyên nhân tan vỡ đều xuất phát từ hai phía nhưng đàn ông thường bị chỉ trích và đổ lỗi nhiều hơn", bà Nga nói.
Theo bà, đàn ông có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn nên cơ hội thành công cũng cao hơn. Hơn nữa 70% số vụ ly hôn ở Việt Nam đều là phụ nữ đệ đơn nên họ là người lên tiếng chính về sự đổ vỡ, vô hình trung đẩy nguyên nhân tan vỡ về phía người còn lại.
Dù chưa đệ đơn ly hôn nhưng từ lâu chị Ngọc Hà ở Hải Dương coi cuộc hôn nhân của mình đã đổ vỡ. Mối quan hệ vợ chồng cô bắt đầu rạn nứt khi Hà lên làm giám đốc marketing cho một công ty xuất nhập khẩu còn chồng hàng chục năm vẫn hưởng lương công chức nhà nước. Không chỉ khác biệt về lương bổng, tư duy hai người ngày càng có khoảng cách. Hà có chí tiến thủ cao còn chồng cô thích cuộc sống bình lặng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Dù không nói ra nhưng thâm tâm người vợ luôn đánh giá, chồng là người bất tài. Tranh luận gì với chồng cô đều coi thường ra mặt.
Công việc bận bịu khiến người phụ nữ 38 tuổi đi sớm về muộn, việc nhà cửa con cái ủy thác cho chồng và người giúp việc. Ban đầu chồng góp ý vợ phải quan tâm nhiều hơn tới gia đình nhưng cô cho rằng đó là yêu cầu công việc. Từ đó, mỗi khi Hà mặc đẹp ra ngoài, chồng đều tỏ thái độ không vui, thậm chí nhắn tin mắng mỏ.
Mới đây, sau chuyến công tác vì chuyến bay trễ nên cô về nhà muộn hai tiếng, bị chồng gọi điện chửi bới. Không chịu nổi thái độ, cô viết đơn ly hôn nhưng rồi thương hai con nhỏ, dễ bị tổn thương tâm lý nên lại xé đi. "Tôi ly thân với chồng đã lâu. Giờ chỉ mong các con trưởng thành, sẽ tự giải thoát mình ra khỏi cuộc hôn nhân này", người mẹ hai con nói.
Ngọc Hà là một trong những trường hợp điển hình của phụ nữ thành đạt nhưng xung đột với bạn đời, thậm chí nghĩ tới ly hôn, theo chuyên gia Linh Nga.
"Khi phụ nữ thành công và trở thành trụ cột kinh tế, có khả năng họ 'đứng nhầm sang vai của chồng'. Điều này có thể làm thay đổi quyền lực và vai trò trong mối quan hệ gia đình", bà Nga phân tích. Từ đó, người chồng sẽ tự ti khi so sánh bản thân với vợ. Người vợ phải gánh vác việc gia đình cũng sẽ thấy mệt mỏi, nên có sự coi thường nhất định với chồng.
Khi người đàn ông thành công, vì có ít thời gian cho gia đình nên khiến người vợ luôn sống trong trạng thái cô đơn. Ngoài ra, nếu vợ không biết chăm lo cho bản thân, trong khi chồng ra ngoài tiếp xúc nhiều với đối tác xinh đẹp, giỏi giang, dễ dẫn đến việc bị so sánh và không hài lòng, tình trạng ngoại tình rất dễ xảy ra.
Còn khi phụ nữ thành công, một khi hôn nhân không hạnh phúc, họ sẵn sàng ly hôn. Một số khác giống Ngọc Hà có thể hy sinh vì con cái, cố gắng giữ mối quan hệ hôn nhân đến khi những đứa trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, đàn ông thành công ít có suy nghĩ này.
"Tâm lý đàn ông là thêm chứ không bớt nên trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do phía người vợ cương quyết ly hôn đành thuận theo, còn không họ vẫn muốn duy trì cuộc sống như vậy", bà Nga nói.
Từ những lý do trên, để cuộc sống gia đình hạnh phúc khi vợ hoặc chồng thành công, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, điều cốt lõi là phải biết cách nuôi dưỡng tình yêu. Vợ chồng cần dành cho nhau thời gian riêng tư, những món quà nhỏ vào ngày kỷ niệm cũng là cách giúp tình yêu được "tưới tắm".
Bà Minh khẳng định, thứ khiến cho hôn nhân đượm đà chính là việc vợ chồng không quên "chất củi để hâm nóng" chăm bẵm và làm mới nó. "Thứ giá trị nhất mà vợ chồng có thể tặng cho nhau chính là sự chia sẻ, cảm thông, kéo đối phương vào cuộc đời mình", bà Minh khuyên.
Với chuyên gia Linh Nga, ngoài nuôi dưỡng tình yêu, vợ chồng cần có sự tôn trọng đối phương, đặc biệt phải biết phát triển bản thân để đồng điệu về suy nghĩ, tư duy với bạn đời.
Nguyên tắc giữ gìn hôn nhân gồm có: Tình yêu, sự tôn trọng và sự cam kết. Ngoài tình yêu và sự tôn trọng, phải có sự cam kết giữa hai vợ chồng để tránh những phút cảm nắng, lầm đường lạc lối, nếu không hôn nhân khó bền vững.
Hải Hiền