Amazake là thức uống lên men từ gạo của Nhật Bản, được phát minh vào thời Kofun (từ năm 250 đến 538). Người dân đun sôi gạo, nước và koji (một loại nấm sợi được sử dụng trong quá trình lên men) từ 8 đến 10 tiếng. Loại đồ uống này có vị ngọt và được tin là có nhiều dinh dưỡng, lợi khuẩn tốt cho đường ruột, giúp mọc tóc nhanh, giải rượu, dễ ngủ...
Vào thời Edo (1603-1868), người Nhật thường uống amazake vào mùa hè để giải nhiệt. Những người bán amazake cũng được coi là một phần không thể thiếu trong mùa hè nơi đây. Bên cạnh đó, nó cũng là một loại thực phẩm thiết yếu cho người dân và được chính phủ quản lý với giá chỉ vài yên.
Thức uống này cũng là loại nước tăng lực cho những du khách leo núi. Một trong những quán trà lâu đời phục vụ amazake truyền thống là Amazake Chaya tại Hakone, tỉnh Kanagawa. Được mở cửa năm 1600, đây là một trong những quán trà cuối cùng còn lại của đường Tokaido cũ - nơi từng là tuyến đường chính giữa Kyoto và Edo (Tokyo ngày nay). Với một mái nhà tranh và đồ nội thất tràn ngập bầu không khí thời Edo, quán trà mang đến cảm giác thư giãn và thoải mái cho du khách. Mỗi ly amazake đặc sản ở đây có giá 400 yen (khoảng 85.000 đồng).
Nhiều du khách đến Nhật Bản thích thú với thức uống này, Ray Parks, du khách Australia nhận xét trên trang TripAdvisor: "Chúng tôi dừng nghỉ chân và thưởng thức amazake sau khi leo dốc một quãng dài. Lượng đường tự nhiên trong đó giúp chúng tôi có thêm năng lượng để tiếp tục hành trình". Trước đây, du khách khó có thể tìm mua amazake chỉ có tại các đền thờ, lễ hội truyền thống và cửa hàng đặc sản. Tuy nhiên kể từ khi những lợi ích sức khỏe của amazake càng được nhiều người biết đến, bạn có thể tìm thấy amazake đóng chai tại nhiều cửa hàng thực phẩm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi...
Hiroshi Sugihara, một người có đam mê với kỹ thuật lên men và đã từng thử 420 loại amazake trên khắp nước Nhật chia sẻ: "Đồ uống này có tính nóng, đặc biệt là do gừng được thêm vào để tạo hương vị, nên thường được ưa chuộng trong những tháng mùa đông. Thời điểm này diễn ra nhiều ngày lễ lớn, nên nhiều người Nhật xem amazake như mối liên kết văn hóa giữa quá khứ và hiện tại".
Ngân Dương (Tổng hợp)