Độc giả: Thùy Dương
Theo thạc sĩ Nga Sinh, giáo viên giáo dục giới tính Hệ thống giáo dục Hocmai, để xác định độ tuổi nào phù hợp mặc quần lót, bố mẹ cần hiểu mục đích của việc này và tác dụng của nó với sự phát triển của trẻ.
Đầu tiên, tác dụng của quần lót là bảo vệ vùng cơ quan sinh dục, nơi dễ viêm nhiễm, giúp không bị cọ xát vào quần cứng bên ngoài gây đau, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập của bụi bẩn, vi khuẩn.
Quần lót còn giúp che chắn "vùng tam giác", tạo sự kín đáo cho trẻ, đặc biệt khi ngồi đối với các bé gái hay mặc váy và các bé nam hay mặc quần đùi ngắn, ống rộng.
Ưu điểm tiếp theo là giúp trẻ xác định và hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ vùng riêng tư, có thể sớm nói cho bố mẹ nếu có người đụng chạm vào "vùng đồ lót" của mình.
Với bé trai đang dậy thì, quần lót nam thường may khoảng phồng và dày ở phía trước giúp các bé đỡ xấu hổ khi bộ phận sinh dục lỡ cương cứng chỗ đông người. Đồng thời, quần lót giúp nâng đỡ và cố định cơ quan sinh dục khi làm việc nặng, vận động nhiều nhằm tránh chảy xệ, sa tinh hoàn. Đối với bé gái, quần lót còn giúp cố định băng vệ sinh khi đến chu kỳ kinh nguyệt.
Mặc quần lót sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không?
Mặc một chiếc quần lót tốt, vừa vặn và vệ sinh đúng cách không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cũng như sự phát triển của cơ quan sinh dục. Vì vậy, bố mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ mặc quần lót sớm để con nhận thức đúng về vùng kín và bảo vệ nó.
Đối với bé gái có thể mặc quần lót ngay sau khi bỏ bỉm, bắt đầu đi nhà trẻ, mặc váy hoặc mặc quần vải cứng (khoảng 2-3 tuổi). Đối với bé trai, bắt đầu mặc khi 3 tuổi hoặc có thể muộn hơn một chút. Bắt đầu càng sớm trẻ càng dễ hợp tác
Để trẻ chịu mặc quần lót, quan trọng nhất là khi mặc lên phải cảm thấy dễ chịu, thoải mái, không gây ngứa, không nóng bức, không ẩm ướt. Do đó, bố mẹ cần lựa chọn chất liệu, kích cỡ, kiểu dáng phù hợp với trẻ.
Về chất liệu, ưu tiên chọn quần lót có chất liệu tự nhiên như cotton, sợi sồi, sợi tre vì các loại vải này mềm mịn, thông thoáng, khả năng thấm hút bay hơi tốt, an toàn cho da nhạy cảm. Những chất liệu khác như ren, nilon, đường may gồ ghề sẽ gây hiện tượng hằn, châm chích, kích ứng khi mặc, đặc biệt không thông thoáng dễ dẫn đến viêm nhiễm.
Về kích cỡ, cần chọn loại vừa vặn với trẻ hoặc lớn hơn một size. Quần lót chật sẽ làm trẻ đau, khó chịu do bị bó, cọ xát làm tổn thương vùng kín, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ quan sinh dục. Sự khó chịu là nguyên nhân chính khiến trẻ không muốn mặc quần lót nữa. Còn nếu quần quá rộng sẽ làm giảm vai trò nâng đỡ, bảo vệ vùng kín.
Về kiểu dáng, nên chọn quần lót ôm hoàn toàn mông, hoặc dạng đùi (boxer) sẽ giúp trẻ có cảm giác thoải mái. Không nên chọn quần lót quá nhỏ, dễ bị kẹt vào khe mông gây khó chịu cho trẻ.
Trước khi mặc quần lót, vùng kín của trẻ cần được rửa sạch, lau khô. Mỗi ngày thay ít nhất một lần nếu trẻ không đổ nhiều mồ hôi. Trong trường hợp trẻ chạy nhảy ra nhiều mồ hôi, ẩm ướt, nên thay luôn để tránh làm ổ cho vi khuẩn, gây ngứa ngáy. Quần lót sau khi thay cần ngâm giặt với xà phòng, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
Trong trường hợp của độc giả, bố mẹ nên hỏi trẻ nguyên nhân không muốn mặc quần lót để tìm hướng giải quyết. Nếu trẻ thấy màu sắc, họa tiết không đẹp, nên để trẻ tự chọn lựa nhưng vẫn phải định hướng về chất liệu tự nhiên. Nếu trẻ kêu nóng, vướng víu, cần xem lại chất liệu, kích cỡ, dáng quần chọn phù hợp hay chưa. Nên tập tăng dần thời gian mặc, ví dụ ban đầu có thể mặc khi ra ngoài và "thả rông" lúc ở nhà cho đến khi quen hẳn.
"Con trai bạn đã 8 tuổi, đủ lớn để nhận thức được lợi ích và tác hại của việc mặc quần lót. Để khuyến khích, cần động viên, khen ngợi khi con hoàn thành thời gian mặc quần lót trong ngày", bà Nga nói.
Trang Vy