Nhóm nghiên cứu của Đại học Thể thao Đức Cologue, Đại học Ruhr Bochum, Đại học Johannes Gutenberg Mainz (Đức) cùng các trường đại học Bern và Basel ở Thụy Sĩ, vừa tìm ra đáp án cho câu hỏi "Thời điểm nào con người hạnh phúc nhất trong cuộc đời?".
Theo đó, mức độ hài lòng với cuộc sống của một đứa trẻ giảm dần trong độ tuổi từ 9 đến 16, tăng nhẹ cho đến khi đạt đỉnh ở tuổi 70. Trạng thái cảm xúc tích cực liên tục suy giảm từ 9 tuổi đến 94 tuổi, trong khi cảm xúc tiêu cực dao động nhẹ trong độ tuổi từ 9 đến 22, giảm dần đến 60 tuổi trước khi tăng trở lại.
Kết quả công bố hôm 7/9 trên Tạp chí của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, sau khi khảo sát gần 461.000 người, tiến hành phỏng vấn sâu 443 trường hợp dựa trên những thay đổi trong ba yếu tố trung tâm của hạnh phúc gồm sự hài lòng trong cuộc sống, trạng thái cảm xúc tích cực và tiêu cực.
Susanne Bucker, trợ lý giáo sư tại Đại học Thể thao Đức Cologne thuộc nhóm nghiên cứu, cho rằng hiện tượng giảm mức độ hài lòng về cuộc sống là kết quả do thay đổi ở tuổi dậy thì, cùng nhiều tác động bên ngoài. Việc một người ít cảm thấy hạnh phúc sau 70 tuổi có thể là do bệnh tật hoặc các hoạt động thể chất kém, sức khỏe suy giảm và giảm các mối quan hệ xã hội.
"Cảm xúc tích cực có xu hướng giảm dần từ thời thơ ấu đến cuối tuổi trưởng thành, có xu hướng xấu đi khi tuổi tác ngày càng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người già bởi hoạt động thể chất giảm sút, sức khỏe suy giảm, các mối quan hệ xã hội co hẹp và đặc biệt là lúc bạn đời hoặc đồng nghiệp qua đời," bà Bucker suy đoán.
Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự can thiệp cần thiết để thúc đẩy hạnh phúc chủ quan trong các giai đoạn khác nhau của mỗi người. Đặc biệt, các phát hiện trong nghiên cứu có thể cung cấp hướng dẫn quan trọng cho việc phát triển các chương trình nhằm duy trì, hoặc cải thiện sức khỏe chủ quan ở giai đoạn cuối đời.
Minh Phương (Theo Sputnik)