Người mẹ ở tỉnh Hà Bắc cho rằng đeo kính do bệnh viện công kê đơn là chưa đủ, cô tìm đến các trung tâm về mắt ở địa phương. Họ đã kê một phương pháp điều trị hết 30.000 tệ (105 triệu đồng).
"Nhưng nó vô tác dụng. Lần đo mắt tiếp theo độ cận của thằng bé vẫn tăng", cô nói.
Li cảm thấy mình đã bị lừa.
Trên thực tế, cô không phải là phụ huynh duy nhất chi số tiền không nhỏ này cho các sản phẩm chăm sóc mắt đáng ngờ. Khi ngày càng nhiều trẻ em Trung Quốc gặp các vấn đề về thị lực, các phương pháp chữa "thần kỳ một cách đáng ngờ" đang trở thành một vấn nạn toàn quốc.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh quốc gia Trung Quốc năm 2022, tỷ lệ cận thị ở trẻ em là 51,9% và lên tới 81,2% ở học sinh trung học.

Hơn 50% trẻ em Trung Quốc cận thị. Ảnh: Sixthtone
Các doanh nghiệp đang cố gắng tận dụng thực trạng này. Một cuộc điều tra gần đây của Legal Daily đã phát hiện hàng loạt "thuốc thần kỳ" và "thiết bị thần kỳ" được bán ở Trung Quốc, tuyên bố có thể điều trị chứng cận thị ở trẻ em. Chúng bao gồm mọi thứ, từ thuốc nhỏ mắt, thực phẩm chức năng cho đến "thiết bị đào tạo thị giác AI" giá hàng nghìn tệ.
Một trung tâm ở Bắc Kinh tuyên bố trẻ sẽ bỏ được kính sau ba tháng nếu đầu tư vào phương pháp điều trị gồm thuốc mỡ mắt thảo dược, thực phẩm chức năng và máy xung điện từ.
Một doanh nghiệp online khác bị phát hiện đăng bán "kính rèn luyện thị giác AI" nhằm tạo ra các chế độ rèn luyện cá nhân hóa dựa trên độ tuổi và mức độ cận thị của trẻ.
Trên nền tảng Xiaohongshu, nhiều nhà cung cấp khác cũng đang quảng cáo kính luyện thị giác AI và họ thường sẵn sàng đưa ra những tuyên bố táo bạo về hiệu quả. Một người bán khoe việc sử dụng sản phẩm này trong 20 phút mỗi ngày sẽ cho phép khách hàng đọc thêm từ một đến ba dòng trên biểu đồ mắt tiêu chuẩn.
"Nó phù hợp cho những người cận thị, loạn thị, lão thị, viễn thị, mang lại kết quả rõ rệt trong việc điều chỉnh thị lực. Tác động là rất lớn", cô đăng.
Một thị trường không chính thức dường như cũng đã phát triển cho các loại thuốc được quảng cáo làm chậm sự tiến triển của cận thị ở trẻ em.
Theo các chuyên gia nhiều phương pháp điều trị này không những không hiệu quả, mà có hại, có thể gây ra tác dụng phụ như mờ mắt và dị ứng. Nếu chúng được sử dụng thay thế cho kính cận, thậm chí có thể làm tăng độ. Bởi lẽ cận thị có liên quan chặt chẽ đến những thay đổi về thể chất ở trục nhãn cầu và rất khó đảo ngược. Bất kỳ sản phẩm nào tuyên bố chữa khỏi tật cận thị đều quảng cáo sai sự thật.
Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát các giải pháp chăm sóc mắt đáng ngờ. Vào tháng 4, Cục Quản lý thị trường đã công bố một chiến dịch nhắm vào các sản phẩm đưa ra những tuyên bố lừa đảo, đặc biệt các sản phẩm gắn với thuật ngữ như "phục hồi" và "chữa cận thị".
Luật sư Wu Xinhui ở Thượng Hải nói rằng người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình tốt nhất bằng cách đảm bảo các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ giấy tờ cho tất cả các sản phẩm và dịch vụ. Wu cũng nhấn mạnh các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát thị trường chăm sóc mắt và trấn áp những quảng cáo sai sự thật. Và các cơ quan y tế có trách nhiệm loại bỏ các hoạt động y tế không có giấy phép và các thiết bị điều chỉnh thị lực kém chất lượng.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)