Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, người Hàn Quốc tương đối thích sản phẩm xa xỉ, chỉ 22% người khảo sát nói việc sử dụng quần áo, phụ kiện đắt tiền là không tốt. Con số này thấp hơn 45% ở Nhật Bản và 37% ở Trung Quốc. Điều này khiến người trẻ xứ sở kim chi trở thành những người chi tiêu nhiều nhất cho hàng xa xỉ, theo bình quân đầu người.
Nghiên cứu gần đây của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ), tổng chi tiêu hàng xa xỉ của công dân Hàn Quốc đã tăng 34% lên 21,8 nghìn tỷ won năm 2022.
Trước đây, hàng xa xỉ từng được coi là đặc trưng của tầng lớp trung lưu, nay thế hệ Millennials và thế hệ Z (Gen Z), được gọi chung là "thế hệ MZ" (những người sinh sau năm 1980) trở thành nhóm người tiêu dùng dẫn đầu sự bùng nổ của thị trường này.
Jang, nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Seoul, đã mua chiếc túi sang trọng năm 20 tuổi, khi nhận tháng lương đầu tiên. Sau lần đó, cô mua túi xa xỉ hai lần mỗi năm.
"Tôi biết đắt hơn so với mức lương nhưng những chiếc túi mang lại sự tự tin. Tôi coi chúng như món quà cho những nỗ lực làm việc ngày đêm", Jang nói.
Christine Lee, một công nhân 30 tuổi kiếm được khoảng 24.000 USD mỗi năm cũng mua một chiếc túi xách Marni trị giá 1.300 USD năm 2020. Bạn bè của Lee đều có ít nhất một chiếc túi xách sang trọng và các bài đăng trên Instagram cũng tác động đến nhu cầu mua sắm của cô.
"Chúng tôi không thể mua được nhà vì quá đắt, vậy tại sao phải tiết kiệm mà không đầu tư cho sở thích của bản thân", Lee nói.
Theo chuỗi bán lẻ Shinsegae, Thế hệ MZ chiếm gần 40% tổng doanh thu bán hàng năm 2021. Lượng khách mua đồ xa xỉ ở độ tuổi 20 tăng gấp đôi mỗi năm, vượt xa mức tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ kể từ 2016. Tại thời điểm đó, khách hàng ở độ tuổi từ 30 trở lên là những người mua phổ biến.
Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng đó là sự khác biệt về văn hóa giữa các thế hệ. Cô cho biết trong khi người lớn tuổi tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, thì thế hệ trẻ, những người sinh ra trong thời kỳ sung túc, quan tâm nhiều hơn đến việc tiêu tiền để nâng cao giá trị cho bản thân.
"Người trẻ cho rằng đó là một khoản đầu tư vào bản thân. Họ sẵn sàng trả tiền nếu sản phẩm đó mang đến sự hài lòng và niềm vui", Kwak nói.
Phô trương sự giàu có ngày càng được chấp nhận, thậm chí là khuyến khích trong xã hội Hàn Quốc. Nghiên cứu của Economic Affairs vào tháng 7/2022, hơn 60% người dân nước này tin rằng việc được coi là giàu có "khá quan trọng" hoặc "rất quan trọng".
Kim Joo-yeon, 29 tuổi nói rằng thường xuyên đặt câu hỏi về việc bộ đồ mặc trên người có đẹp không, chúng có quá cũ hoặc có khiến bản thân giống như đang gặp khó khăn về tài chính... mỗi khi nhận lời mời đi dự đám cưới bạn. "Đó là lúc tôi cảm thấy cần phải mua hàng xa xỉ", cô Kim chia sẻ.
Báo cáo của Morgan Stanley viết: "Ngoại hình và thành công về tài chính có thể gây được tiếng vang với người tiêu dùng ở Hàn Quốc so với hầu hết các quốc gia khác. Và các phương tiện truyền thông đang thúc đẩy xu hướng này. Những khách hàng trẻ tuổi bắt đầu đăng các giao dịch mua hàng của họ lên mạng xã hội cũng như các thương hiệu cao cấp đang sử dụng như một công cụ tiếp thị bản thân hiệu quả".
"Tuy nhiên, tiêu quá nhiều tiền vào hàng xa xỉ so với thu nhập của bản thân là điều đáng nói. Chúng ta cần biết tiết kiệm tiền và vẫn dành phần còn lại cho những gì mang lại sự hài lòng cho bản thân. Tôi nghĩ đó mới là cách tiêu dùng khôn ngoan", bà Kwak nói.
Minh Phương (Theo Koreatimes, Straitstimes)