![world-press-photo1-jpg-1361730404_500x0.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2013/02/25/world-press-photo1-jpg-1361730404.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RqzIsPYu7LWwZGjv_yPQNw)
Giải nhất ảnh báo chí World Press Photo 2013 đã không còn xa lạ. Bức ảnh được tác giả Paul Hansen (Thụy Điển) chụp ngày 20/11/2012 tại Gaza, Palestine, thực sự đã lột tả được sự phi lý và đau đớn của chiến tranh qua cái chết của hai em bé vô tội.
Tuy nhiên, điều ít ai biết được là tác phẩm được giải đã được xử lý lại trước khi đem đi dự thi. Bởi vậy, so với những gì được đăng trên tạp chí vào ngay ngày hôm sau, hình ảnh đã có những sự thay đổi đáng kể về màu sắc, cũng như độ phơi sáng ở một số khuôn mặt và viền ảnh.
![world-press-photo2-jpg[1076084782].jpg](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2013/02/25/world-press-photo2-jpg-1361730414.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2YVg-sZJh46mn8Zu54ZrvA)
Tất nhiên điều này vẫn không vi phạm nội quy của cuộc thi, vì thí sinh buộc phải gửi file ảnh RAW gốc cho ban giám khảo thẩm định trước về mức độ thay đổi. Dù vậy, câu hỏi đặt ra là "mức độ" này được đề ra đến đâu và có khác đi theo từng năm hay không.
Câu trả lời là dường như mức độ sửa đổi đang được nới lỏng dần.
Thật vậy, một nghi vấn được đặt ra là: "liệu bức ảnh gốc có xứng đáng được giải hay không?". Nếu câu trả lời là "có" thì tại sao Paul Hansen lại cần phải xử lý màu sắc. Còn nếu "không" thì thực sự ban giám khảo đang bị chi phối bởi điều gì ngoài nội dung thực sự và ý nghĩa bức ảnh.
Bằng cách trao giải nhất cho một bức ảnh đã có sự thay đổi tương đối, ban giám khảo dường như đang báo trước cho những thí sinh năm sau có thể sử dụng các thủ thuật chỉnh sửa ảnh cho ấn tượng, thu hút nhất có thể, nhằm đạt mục đích giải trí hay kêu gọi công chúng.
![SIMPSON-jpg[1076084782].jpg](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2013/02/25/SIMPSON-jpg-1361730414.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ce-l057lElZMN2KlzJ8_mg)
Theo Petapixel, nói về sự thay đổi có thể ảnh hưởng lớn đến cảm nhận và suy nghĩ của độc giả, vụ "lùm xùm" của tạp chí Time năm 1994 là một ví dụ điển hình. Ngày 27/6/1994, tờ Newsweek và Time cùng đăng một bức ảnh của O.J.Simpson về án giết vợ cũ và người tình của diễn viên nổi tiếng này.
Trong khi bìa của Newsweek là ảnh gốc thì của Time đã bị sửa đổi rất nhiều cho thu hút người đọc hơn và tăng độ "nguy hiểm", tính sát thủ của Simpson. Một cuộc lên án về tính đạo đức trong ảnh báo chí đã được dấy lên, đánh một hồi chuông báo động cho các phóng viên cần suy nghĩ kỹ và hạn chế tối đa việc sửa ảnh.
Liên hệ với thực tế, nếu giới hạn đang được nới lỏng dần, vậy sẽ có lúc ảnh báo chí không còn đáng tin tưởng, nhất là với thời đại số hiện nay thì chỉ cần một thao tác nhỏ là bức ảnh đã mang một phong cách khác hẳn với ban đầu, mang theo đó tính chủ quan của người chỉnh sửa.
Trang Petapixel cho rằng nếu các phóng viên, tòa soạn và ngành công nghiệp báo chí đều quan tâm đến tính xác thực của mỗi bức ảnh đã đăng thì việc yêu cầu file RAW của ban giám khảo World Press Photo là thực sự không cần thiết.
Nguyên Khánh