Hưng sinh ra và lớn lên tại xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, và là một trong 6 thủ khoa đạt điểm tuyệt đối vào ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Điện tử Viễn Thông.
Cậu học trò đến từ xứ Thanh này chỉ biết kết quả thi nhờ người nhà báo điểm trong lúc đang đi tàu từ quê vào TP HCM. Một người anh họ tên Lê Đình Dũng đã lo kinh phí cho Hưng vào thành phố chơi như một phần thưởng cho thành tích học tập xuất sắc.
Vẫn mang trên mình đồng phục học sinh in tên THPT Hoằng Hóa 2 (tỉnh Thanh Hóa) với dáng vẻ rụt rè của một cậu học trò trường huyện và giọng nói xứ Thanh, Hưng rụt rè chia sẻ chuyện gia đình cũng như hành trình đạt danh hiệu thủ khoa trong sự khích lệ của anh họ.
Cách đây hai năm, khi Hưng vừa kết thúc năm học lớp 10, mẹ em qua đời vì bệnh ung thư máu. Sau khi mẹ mất, chị gái Hưng cũng thi đỗ vào Học viện ngân hàng tại Hà Nội, nên chỉ còn lại hai cha con ở quê. Mẹ mất, chị học xa nhà, một thời gian dài, Hưng vừa học, vừa lo xoay xở công việc đồng áng cùng người cha nay ốm mai đau.
Mãi tới thời gian gần đây, thương cảnh gà trống nuôi con, bà nội đang ở với người bác cả, lặn lội từ Nha Trang về quê sống để hai bố con Hưng bớt cô quạnh. Thương cảnh nhà em nghèo khó, họ hàng xúm lại, mỗi người góp một ít để nuôi chị gái Hưng ăn học.
Lần đầu tiên đến Sài Gòn, cậu học trò nghèo trường huyện không khỏi ngơ ngác nhìn người - xe chen chúc nối đuôi nhau trên đường phố. Ảnh: Lan Hương.
Hưng nói mỗi lần nghĩ tới mẹ, dù cố kìm nén vì nghĩ mình là con trai cần cứng rắn, nhưng em vẫn luôn nghẹn ngào và rưng rưng nước mắt.
Trong ký ức của Hưng, mẹ luôn hiện lên trong với hình ảnh hiền hậu, lam lũ của một người đàn bà cả đời tất tả vì gia đình. Mẹ bị ung thư máu cách đây 2 năm, gia đình quá nghèo, dù đã được họ hàng giúp đỡ cũng không đủ tiền chữa trị, nên chỉ ba tháng sau khi phát bệnh, bà qua đời.
Hưng bảo hồi còn sống, mẹ rất hiền lành và gầy lắm, có lẽ do hậu quả của việc làm việc quần quật suốt ngày. Dù không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng mẹ luôn là người dạy hai chị em mọi phép tắc, động viên con cái chịu khó học hành.
"Nhà nghèo, nhưng mẹ nấu món ăn nào cũng ngon, nhất là món xôi vò. Em đậu thủ khoa thế này, nếu mẹ còn sống chắc chắn sẽ nấu xôi vò thưởng cho. Từ nhỏ tới lớn, em chưa bao giờ tặng mẹ món quà nào. Đạt điểm tuyệt đối 30/30 vào ĐH, coi như là quà tặng muộn mằn em dành cho mẹ. Tốt nghiệp ĐH xuất sắc và thành công trong sự nghiệp, sẽ là những món quà tặng mẹ tiếp theo", Hưng nói, cố giấu đôi mắt đỏ hoe.
Nói về chuyện học hành, Hưng cho biết "chỉ hơi bất ngờ" khi biết mình đỗ thủ khoa với mức điểm tuyệt đối. "Lúc thi xong khối A, em đã biết chắc mình sẽ đỗ ĐH Bách Khoa Hà Nội, ngành điễn tử Viễn thông, nhưng không nghĩ sẽ đạt 30/30 điểm. Sau đó em vẫn vẫn dự thi tiếp khối B vào Đại học Y Hà Nội", Hưng kể.
Chiều 31/7, vừa tới Sài Gòn được vài giờ đồng hồ, Hưng lại được người em họ báo tin cậu tiếp tục đỗ vào ĐH Y Hà Nội khi trường công bố điểm. Ở trường này, Hưng thi vào ngành bác sĩ đa khoa, đạt 28,5 điểm, trong khi điểm chuẩn chỉ là 27.
Cậu thủ khoa này chia sẻ đang phân vân chưa biết chọn học trường nào và cho biết sẽ tham khảo ý kiến bố và họ hàng - những người sẽ góp sức cùng cha nuôi em ăn học trong thời gian sắp tới.
Hưng cũng ngượng nghịu tiết lộ lý do đăng ký thi ngành Điện tử viễn thông - ĐH Bách khoa chỉ đơn giản vì nghĩ đó là một nghề có thể kiếm được nhiều tiền, sau khi ra trường để giúp đỡ gia đình. "Riêng lý do thi vào ĐY Hà Nội là vì tình yêu với mẹ. Mỗi lần nhớ tới cái chết của mẹ, ước mơ trở thành bác sỹ trong em lại thêm mạnh mẽ. Nhưng dù học trường nào, em xác định trước mắt sẽ cố gắng đạt được học bổng cao nhất để đỡ tiền ăn học cho bố và những người họ hàng tốt bụng", Hưng chia sẻ.
Ngẫm nghĩ một lúc, cậu chia sẻ trong thâm tâm hơi nghiêng về khả năng chọn ĐH Y Hà Nội, nhưng còn e ngại vì thời gian học của trường kéo dài tới 6 năm, sợ gia đình không lo nổi kinh phí cho Hưng theo đuổi.
Khi được hỏi về bí quyết đạt điểm cao trong kỳ thi ĐH vừa rồi, Hưng ấp úng em không có mẹo gì đặc biệt, cũng không có tiền đi luyện thi. "Chắc do chăm học lý thuyết, chăm làm bài tập thôi, chứ lớp em, quê em nhiều bạn học giỏi lắm", cậu nói.
Kiên quyết né tránh nói về thành tích của mình, nhưng trong suốt câu chuyện Hưng luôn nhắc tới những người ân nghĩa với em như gia đình người bác họ tài trợ kinh phí cho hai chị em ăn học nhiều năm nay, cô giáo dạy văn chủ nhiệm hồi THPT Lê Thị Thanh, bác Hội hàng xóm, hay một cô bạn gái cùng lớp luôn chia sẻ với cậu những bài toán hay sưu tầm được...
Lần đầu tiên vào Sài Gòn, vừa đặt chân tới thành phố sáng sớm ngày 31/7, còn chưa hết nôn nao với những nhịp lắc lư của tàu trong suốt hành trình Bắc - Nam, nhưng Hưng quyết định chỉ ở chơi, thăm gia đình người anh họ một ngày.
Từ Thanh Hóa, bố Hưng điện thoại vào nói muốn cậu quay rút ngắn thời gian đi chơi, để về quê sớm. Những ngày này, ở làng Trịnh Thôn nghèo đói nhưng hiếu học quê Hưng, rất nhiều bà con hàng xóm, những người họ hàng, đang nóng lòng muốn gặp cậu học trò giỏi giang để nói lời chúc mừng. Và dường như với Hưng, tình cảm đó quan trọng hơn là những giây phút được dạo chơi một mình tại Sài Gòn hoa lệ.
"Em còn cả cuộc đời để đi đây đi đó, nhưng niềm vui đỗ ĐH thì nên chia sẻ với những người yêu quý ngay trong những ngày này. Vì thế, ngày mai em sẽ ra bến xe về luôn Thanh Hóa", Hưng nói, vẻ rắn rỏi, dứt khoát, khác hẳn sự bẽn lẽn ban đầu.
Lan Hương