Chưa giải phóng mặt bằng đã chia lô bán nền. Ảnh: Thanh Niên. |
Bà Hải ở Thanh Xuân (Hà Nội) đã nộp 620 triệu đồng cho Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và thương mại Tây Hồ. Bà nhận được một bản hợp đồng thỏa thuận đầu tư vốn, thực hiện dự án nhà ở liền kề, thông tầng và biệt thự khu đô thị mới Văn Phú. Chủ đầu tư được ghi trong hợp đồng là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Quảng Ninh, chi nhánh Hà Nội.
Theo bản hợp đồng này, bà Hải tự nguyện đầu tư vốn để mua căn hộ diện tích 90 m2 với giá 7,2 triệu đồng một m2. Ngay khi ký hợp đồng, bà Hải phải nộp 40% giá trị hợp đồng, sẽ nộp tiếp 30% khi dự án hoàn thành san nền và nộp phần còn lại khi có hạ tầng kỹ thuật.
Nhưng trên thực tế bà Hải đã phải trả 11,5 triệu đồng một m2 đất trên giấy. Bà Hải cho biết Công ty Quảng Ninh bán sỉ nền nhà cho Công ty Tây Hồ sau đó Công ty Tây Hồ bán lại cho bà. Nhưng bà không biết căn cứ nào để Công ty Quảng Ninh bán nền cho Công ty Tây Hồ và có gì làm bằng chứng xác nhận rằng bà sẽ nhận được nền khi Công ty Quảng Ninh hoàn thành hạ tầng của dự án.
Khu đô thị mới Văn Phú, rộng hơn 94 ha được UBND tỉnh Hà Tây cấp phép đầu tư cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Quảng Ninh, chi nhánh Hà Nội tháng 6/2006. Theo quyết định này, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là gần 2.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi được giao đất vào tháng 5, Công ty Quảng Ninh đã ký hợp đồng chuyển nhượng nền cho ít nhất 8 công ty bất động sản, thực chất là các trung tâm môi giới nhà đất. Và các công ty này đã "vô tư" bán nền đất cho các khách hàng. Giá đất trên giấy được "thổi" lên rất cao. Bằng chiêu "hết hàng", giá mà một số công ty bán ra hiện nay 11-17 triệu đồng mỗi m2.
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Tây, Nguyễn Hữu Nghĩa, cho biết, khu đô thị mới Văn Phú chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (còn khoảng 4 ha). Theo ông Nghĩa, nếu đúng là chủ đầu tư đã chia lô, bán nền ở thời điểm này là vi phạm Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, sẽ phải bị xem xét xử lý.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, chủ đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần dự án cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chỉ khi đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. "Các nhà đầu tư thứ phát ấy phải có chức năng kinh doanh bất động sản và phải có hoạt động đầu tư trên đất có hạ tầng chứ không phải là chia lô và bán nền cho khách hàng", ông Võ khẳng định.
Ông Võ cũng đặt nghi vấn trong trường hợp này, các công ty bất động sản hình như chỉ đóng vai trò là đại lý bán hàng cho chủ đầu tư. Như vậy thì khách hàng khi mua lại nền đất của các đại lý tính rủi ro rất cao vì không biết trong hợp đồng chuyển nhượng nền giữa chủ đầu tư và các đại lý có bao gồm giá trị pháp lý của quyền sử dụng đất hay không.
(Theo Thanh Niên)