Sớm bén duyên với thể dục dụng cụ và tham gia thi đấu từ nhỏ, Ngân Thương đã hình thành cho mình một tinh thần chiến đấu và giành chiến thắng đến mức quyết liệt. Bảy tấm HC vàng qua ba kỳ Sea Games là minh chứng cho tài năng và nghị lực của cô sau những thăng trầm trong sự nghiệp.
Sau khi quyết định rẽ hẳn sang công tác huấn luyện từ năm 2012, cô gái vàng của thể thao Việt Nam như rơi vào hẫng hụt bởi bao năm quen tung hoành ngang dọc khắp các đấu trường quốc tế. “Cảm giác ban đầu là một sự trống trải mênh mông, một phần vì tôi vẫn muốn tiếp tục chinh chiến, vẫn có cảm giác thèm được bước ra sàn thi đấu để mang về vinh quang, được hát Quốc ca như trước đây. Và lúc đó chỉ ước có thêm cơ hội để tiếp tục được thi đấu”, Ngân Thương chia sẻ với VnExpress.
Trong sự khao khát ấy, cô gái sinh năm 1989 như thêm tin tưởng chính mình ở vai trò mới. Ngân Thương như được soi chiếu bản thân trong hình ảnh của những cô cậu học trò, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt cùng sự khổ luyện cũng mong một ngày chạm tay vào vinh quang. “Đứng ngoài nhìn các em tập luyện, chỉnh sửa từng động tác rồi hướng dẫn từng li từng tí, bỗng dưng có lúc tôi thấy đâu đó hình ảnh của mình thuở 6-7 tuổi, của buổi đầu bỡ ngỡ khi tiếp xúc với môn này. Thấu hiểu các em, chia sẻ với các em để cô trò cùng vượt qua khó khăn là điều tôi thấy mình có thể làm tốt nhất vì ít ra tôi cũng đã từng như thế”.
Nhưng cuộc sống luôn chuyển động và có những ngã rẽ bất ngờ, nhất là khi khao khát thể hiện của Ngân Thương vẫn sục sôi.
Từ thể dục dụng cụ đến aerobic
Sở hữu thân hình nhỏ nhắn, gương mặt thân thiện và sự lém lỉnh, hoạt ngôn, Ngân Thương luôn tạo cho người đối diện cảm giác thoải mái mỗi khi trò chuyện. Và cũng chính những ưu điểm này, cô được giới truyền thông ưu ái gọi bằng cái tên “Búp bê thể dục dụng cụ” suốt 12 năm qua.
Trong những ngày diễn ra Giải vô địch Aerobic châu Á 2015 tại TP HCM vừa qua, Ngân Thương không khỏi bất ngờ khi sau bao năm giải nghệ, cô vẫn được mọi người quan tâm và yêu quý. “Tôi mới làm quen và tập luyện với Aerobic được hơn một tháng, hơn nữa chưa tạo được thành tích gì vậy mà vẫn được mọi người nhớ đến, và vẫn gọi tôi là 'búp bê' dù tuổi đời không còn trẻ nữa”, Ngân Thương hồ hởi chia sẻ. “ Nhưng mà, dù có thêm bao nhiêu tuổi nữa, sau này có già đi tôi vẫn cảm thấy thích thú và hạnh phúc khi được gọi là 'búp bê'”.
Ở giải Aerobic đầu tiên trong đời, Ngân Thương dự thi hai nội dung aerobic dance và aerobic step thuộc nhóm vô địch trên 18 tuổi. Và tấm huy chương đồng như một động lực mới cho “búp bê” ở môn thể thao vừa bén duyên này. “Ở môn thể dục dụng cụ trước đây, một mình tôi có thể sẽ phải thi đấu hết bốn môn. Trong khi đó, ở giải aerobic lần này có nội dung đồng đội tám người, làm thế nào để có thể phối hợp uyển chuyển, nhịp nhàng để không bị trừ nhiều điểm là điều thách thức. Thêm nữa, mặt sàn gỗ cũng chính là thử thách dành cho tôi khi bước sang tập luyện và thi đấu aerobic vì trước đây tôi chỉ tập trên thảm mềm ở môn thể dục dụng cụ”, Ngân Thương chia sẻ về khó khăn khi chuyển sang aerobic.
Mỗi ngày của "Búp bê" hiện nay dành trọn cho hai môn thể thao mà cô đã chọn gắn bó. “Buổi sáng bình thường tôi đi tập aerobic, đến chiều thì lại quay về cùng cô Đỗ Thuỳ Giang dạy lứa VĐV nhỏ của đội Thể dục dụng cụ Hà Nội. Ngoài ra tôi cũng đi dạy ép dẻo thêm cho các bạn nào muốn học về ép dẻo”.
Là một người hoạt ngôn, thế nhưng, khi được gợi ý về chuyện tình cảm cá nhân, Ngân Thương vẫn khá dè dặt và chỉ gợi ý rằng một ngày không xa sẽ được thấy thiệp hồng…
Trân Trần