- "Gặp nhau cuối năm" là chương trình được khán giả truyền hình chờ đợi trong đêm giao thừa. Anh có thể “bật mí” khán giả sẽ được gặp những vị khách mời đặc biệt nào trong đêm cuối năm Ất Dậu?
- Chương trình phát sóng đêm giao thừa năm nay sẽ gồm có nhiều phần. Trong đó, chúng tôi chỉ đảm trách phần Táo quân, chứ không thực hiện phần gặp gỡ các nhân vật như mọi năm nữa.
![]() |
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải (ảnh do nghệ sĩ cung cấp). |
- Anh sẽ chọn những vấn đề gì để thể hiện trong màn "Táo quân" năm nay?
- Chúng tôi chọn lọc nhiều vấn đề khác nhau để đưa lên màn Táo quân. Sẽ là những vấn đề về giao thông, về dịch cúm gia cầm, về vụ án bán độ trong bóng đá, rồi chuyện rút ruột công trình, “bệnh” thích hứa nhưng lời hứa lại không gắn với hành động… Tóm lại, đó sẽ là những vấn đề nổi cộm trong năm qua, đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nhưng sẽ có một điểm khác so với màn Táo quân mọi năm, các Táo không chỉ lên báo cáo những việc lớn trong năm với Ngọc Hoàng tại… trường quay nữa. Xen kẽ với việc các Táo lên báo cáo, chúng tôi sẽ phát những phóng sự ghi lại hình ảnh Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu xuống trần gian vi hành, tận mắt chứng kiến hiện thực cuộc sống. Như thế có lẽ màn Táo quân sẽ sinh động hơn, hấp dẫn hơn.
- Anh thể hiện các thông tin, các sự kiện đó như thế nào?
- Trong một năm có rất nhiều sự việc xảy ra, với chúng tôi, ngoài việc chọn lọc thông tin trên báo chí, còn phải có chính kiến, có quan điểm, có cảm xúc, suy nghĩ của riêng mình trước sự kiện, sự việc đó. Đúng là, nếu nói không khéo, thể hiện không cẩn thận thì màn Táo quân sẽ trở thành lối nói theo, adua, lố bịch. Hơn một tháng nay, chúng tôi phải cân nhắc kỹ càng khi viết kịch bản. Viết xong, anh em lại ngồi suy đi tính lại, đào bới kịch bản lên sửa chữa, thêm bớt. Tôi luôn muốn làm kỹ về phần kịch bản. Màn Táo quân là cách thể hiện quan điểm, chính kiến của chúng tôi, những người thực hiện, về các sự kiện, sự việc trong năm, nhưng đồng thời cũng phải nói lên được tiếng nói chung của đông đảo nhân dân, công chúng. Đó chính là cái khó nhất khi lên kịch bản chương trình.
- Xin lấy một ví dụ về dịch cúm gia cầm, những người thực hiện màn Táo quân có chính kiến như thế nào về vấn đề này?
- Chúng tôi đứng về phía những người dân, đứng về phía số đông công chúng để phản ánh vấn đề. Khi lên kịch bản, chúng tôi luôn xác định: Những người dân đang quan tâm đến điều gì? Họ mong muốn điều gì? Nguyện vọng, ước mơ của họ là gì? Họ bức xúc nhất chuyện gì? Những vấn đề nào tác động đến những người dân mạnh nhất? Chúng tôi là người đại diện nói ra. Đó cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng tôi chọn lọc trong một “núi” thông tin, dữ kiện, những vấn đề quan trọng nhất, thiết thực nhất để phản ánh.
- Có một sự thật là, nếu trong năm không có nhiều vấn đề bê bối gây bức xúc, không có nhiều sự kiện “động trời” thì hình như chương trình của các anh cũng… mất hay. Suy nghĩ của anh về điều này thế nào?
- Bạn phải hiểu như thế này, chúng tôi không mang các sự việc ra đ bêu riếu, chê cười, làm trò hề, hay châm chọc. Trong cuộc sống, bất cứ ai, bất cứ ngành nghề nào, cũng có thể mắc sai lầm. Vào giờ khắc giao thừa, chúng ta thường nhìn lại một năm đã qua và lên kế hoạch cho năm mới. Các chương trình Tết nói chung, các chương trình phát sóng đêm giao thừa nói riêng, đều mang không khí vui tươi, rộn ràng. Màn Táo quân cũng vậy, là một chương trình hài về các sự kiện trong năm, là một cách để chúng ta nhìn lại sai lầm, nhắc nhau sửa sai. “Vũ khí tiếng cười” nếu chúng ta biết cách sử dụng sẽ đem lại những hiệu quả không ngờ. Khi sự việc xảy ra dẫu là nghiêm trọng đến mấy nhưng được thể hiện qua tiếng cười, người ta cũng thấy đó chỉ là lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Để sau đêm giao thừa, bước sang một năm mới, chúng ta cùng rút kinh nghiệm, cùng làm lại để xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Chẳng phải đó là điều mà tôi, bạn và tất cả chúng ta cùng mong muốn?
- Nếu tôi là một trong những cầu thủ U23 Việt Nam tham gia bán độ tại SEA Games vừa rồi, dù được các anh thể hiện hài hước đến mấy, “nhắc nhở nhẹ nhàng” đến mấy, tôi vẫn thấy màn Táo quân châm chọc, chê cười mình. Anh nghĩ sao?
- Tất nhiên, những sự việc, những cá nhân bị đề cập đến sẽ không vui. Nhưng chúng ta hãy cởi mở với nhau. Mọi sự đã rõ ràng cả rồi, đã được nói rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Và như tôi đã nói ở trên, chúng tôi phải nói lên tiếng nói của đông đảo nhân dân. Ai có “tật” thì “giật mình”. Ai lạc quan thì thấy người ta nói đấy, nhưng đâu có nói mình. Mỗi năm, mỗi chương trình, chúng tôi đưa ra các sự kiện nhưng luôn có những điểm nhấn quan trọng. Ví dụ, năm trước, một trong những điểm nhấn là màn tự xử của các Táo. Các Táo lấy chổi lông gà để… tự phê bình! Chúng tôi không nói riêng một ngành nghề nào, nhưng “giơ cao đánh khẽ”, “không nhận lỗi về mình mà đổ lỗi cho tập thể” là bệnh chung của tất cả. Chương trình năm nay cũng sẽ có những điểm nhấn như thế. Vừa để những người trong cuộc thấy sai mà sửa sai, vừa để những người chưa bị lôi ra ánh sáng thấy đấy là bài học. Cũng lấy ví dụ các cầu thủ U23, nếu còn những cầu thủ bán độ nhưng chưa bị phát hiện, chưa ra trước pháp luật thì hãy thấy đó là một lời cảnh báo mà xem lại mình.
- Chương trình Gặp nhau cuối năm phát sóng giao thừa năm ngoái nhận được rất nhiều lời khen. Các anh gặp phải áp lực gì khi tiếp tục với chương trình năm nay?
- Quả thực, chương trình năm trước, chúng tôi nhận được nhiều lời khen tặng, nhiều khán giả gọi điện đến cổ vũ, nhiều bạn bè, đồng nghiệp động viên. Đó là một áp lực với chúng tôi khi thực hiện chương trình năm nay. Sẽ phải làm hay bằng hoặc tốt hơn năm trước chứ nếu kém hơn thì buồn lắm! (cười)
Nhưng chính sự thành công của màn Táo quân năm trước lại mang đến cho chúng tôi một may mắn, đó là sự háo hức của các diễn viên. Ngay từ khi bắt tay vào làm kịch bản, các diễn viên đã tới tấp hỏi thăm “Khi nào ghi hình Táo quân đấy? Khi nào làm?”. Họ hỏi kỹ về thời gian tập, thời gian ghi hình để nếu có bận diễn ở đâu đó, họ sẽ thu xếp lịch để tham gia bằng được. Và các diễn viên cũng rất chú ý đến nội dung kịch bản, họ phát hiện thêm các vấn đề gây bức xúc và cùng tham gia bàn luận cùng chúng tôi. Chính sự nhiệt tình của các diễn viên tham gia, sự chờ đợi của khán giả, sẽ là động lực quý giá cổ vũ chúng tôi thực hiện tốt màn Táo quân năm nay. Tham gia chương trình bên cạnh những diễn viên quen thuộc như Quốc Khánh (Ngọc Hoàng), Xuân Bắc (Nam Tào), Công Lý (Bắc Đẩu), Vân Dung, Quang Thắng… sẽ có nhiều gương mặt mới, cùng các bạn sinh viên đã tham gia Gala cười Sinh viên 2005. Màn Táo quân năm nay sẽ kéo dài 75 phút, phát sóng sau chương trình thời sự đêm giao thừa. Chúc quý vị và các bạn có một đêm giao thừa tràn ngập những tiếng cười ý nghĩa!
Hiền Hương thực hiện