Tên sách: Đồ tể
Tác giả: Nguyễn Trí
Nhà xuất bản Trẻ
Nguyễn Trí là một "ca" lạ trên văn đàn Việt Nam đương thời. Ông có cuộc đời vất vả, trải qua nhiều nghề như đãi vàng, khai thác trầm hương, đốt than, nấu đường lậu, dạy Anh văn và làm đồ tể... Ở tuổi gần 60 ông viết văn và thành công khi được biết tới như một tác giả có giọng điệu riêng. Tập truyện ngắn đầu tay Bãi vàng, đá quý, trầm hương đã giành Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013. Đồ tể là cuốn sách mới nhất của Nguyễn Trí.
27 truyện ngắn trong tuyển tập xoay quanh các nhân vật có cuộc đời cơ cực, hoặc bi kịch. Các câu chuyện mà Nguyễn Trí kể thật giống với những mẩu tin trên báo rao hàng ngày. Ông khắc họa rõ nét những tệ nạn, chuyện đau lòng như lô đề, lừa đảo, kiếm tiền từ xà xẻo đất đai đền bù, vay hụi hay hiến thân hòng sống qua ngày. Những chuyện đàn ông, đàn bà lao vào nhau bất kể già trẻ như là mất trí, nhằm khỏa lấp nỗi cô đơn cũng được Nguyễn Trí nhắc tới trong sách.
Nguyễn Trí không viết về những chuyện bằng phẳng, an lành. Nhân vật của ông đau thương, câu chuyện của ông khủng khiếp, hiện thực của ông trần trụi. Thế nhưng ẩn sau đó luôn là vẻ đẹp của sự hướng thiện, tính nhân ái.
Trong Đồ tể - truyện ngắn được chọn làm tiêu đề sách - nhân vật Châu nghèo khổ lấy một cô tiểu thư có gia đình sắp sang Mỹ sinh sống. Bôn ba rừng thiêng nước độc, Châu đổ bệnh, đành phải kéo vợ con tới làm đồ tể cho một quán cháo lòng, và ở nhờ trong căn chòi do bạn bè dựng tạm. Trong khi đám bạn, dân giết mổ gia súc thường nghiện rượu, coi chuyện tìm hoa (độc) là thường tình, Châu vẫn đi về một nẻo với vợ. Tới khi bị chủ đánh đập do nghi quyến rũ vợ hắn, Châu vẫn chẳng hay biết chuyện gì đang xảy ra. Giữa cơ cực, túng thiếu, sự chung thủy của Châu là một vẻ đẹp cho tình yêu, dù câu chuyện có vẻ chẳng liên quan tới tình ái.
Nếu mang cái nhìn chung của xã hội để đánh giá thì nhân vật Ba Đạt trong Đổi nghề có vẻ khờ khạo. Một tay đồ tể như Đạt bỗng nhiên đổi đời nhờ được làm giáo viên dạy tiếng Anh, lại đùng đùng phê bình ông hiệu trưởng rồi nhận sự ghẻ lạnh của đồng nghiệp, dẫn đến phải xin thôi việc. Trở về làm nghề xe ôm, Bá Đạt giữ được lương tâm mình không phải cắn rứt khi tiếp tục tham gia vào những chuyện bất cập của giáo dục.
Câu chuyện Chân mình thì mình đứng là một tác phẩm ca ngợi khí chất "nghèo mà không hèn". Nhân vật Nghĩa đúng như tên của mình sống nghĩa khí, lo toan cho gia đình, bầy em, cả em ruột lẫn em con dì ghẻ. Cuộc đời thay đổi, sau nhiều năm Nghĩa lâm vào nghèo khó, các em ông đã vương giả và muốn bù đắp cho ông. Khi vấp phải sự phản đối của em dâu, em rể, Nghĩa đã từ chối tiền bạc, phú quý để giữ nghĩa khí cho mình.
Trải nghiệm, lăn lộn với cuộc sống đã cho Nguyễn Trí vốn liếng chi tiết lớn để viết văn. Truyện Chả có gì là bất thường thể hiện rõ nét quan điểm của Nguyễn Trí. Ông dựng lên nhân vật Linh - một cô gái chết trẻ từng có ba đời chồng và ba đứa con riêng. Người chồng thứ nhất của Linh chết vì ngộ độc rượu. Người thứ hai chết vì bỗng nhiên lốp xe nổ nên đâm vào xe container. Còn cái chết của Linh thì phi lý hơn, bị người chồng thứ ba ném cái chén đúng vào mạch máu. Ông thầy hoàn giới si mê Linh thì bị đánh cho mất trí, còn bố chồng thứ ba của Linh lại đi tu. Đầy chuyện kỳ quặc như vậy, mà Nguyễn Trí tuyên bố: "Có gì đâu mà ái ngại, chuyện thường tình thôi". Có lẽ, với một người từng trải như Nguyễn Trí, những thân phận, cảnh ngộ, những trớ trêu, éo le giống như chuyện "chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời".
Một trong những yếu tố khiến tác phẩm của Nguyễn Trí có sức thu hút đó là cách dùng từ ngữ. Không hoa văn, trau chuốt, Nguyễn Trí khiến người đọc cảm giác ông bê nguyên ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày vào trang viết. Nhưng nếu chỉ đặt văn nói vào tác phẩm mà thành công thì dễ quá. Nguyễn Trí biết cách đặt đúng, đặt trúng từ cần dùng vào ngữ cảnh của truyện. Thế giới ngôn từ của Nguyễn Trí sinh động, hấp dẫn, ông dùng những từ như mới rợi, xụ mặt một đống, đẹp dậy xóm làng... không hề khiên cưỡng khiến tác phẩm mang vẻ đẹp của sự chân thực, giản dị.
Lam Thu