Tại hội thảo "Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 49" diễn ra ngày 25-26/9, PGS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, đã chia sẻ kết quả chuyến thám sát, khai quật ở một số đảo trong quần đảo Trường Sa hồi tháng 6 do Viện Khảo cổ chủ trì kết hợp với nhiều cơ quan.
Khi khảo sát, điều tra và đào thám sát trên các đảo Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Sơn Ca, Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), đoàn công tác của PGS Liêm đã phát hiện nhiều hiện vật quan trọng khẳng định sự xuất hiện sớm và liên tục của người Việt trên quần đảo này.
Cụ thể, tại đảo Trường Sa Lớn, đoàn phát hiện những mảnh gốm của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, một mảnh bát thời Trần, hai mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và nhiều mảnh sành thuộc thế kỷ 18-19. Trên đảo Nam Yết, Sơn Ca, đoàn thu được các mảnh sành, gốm thời Lê, Nguyễn.
Trước đây, trong đợt khảo sát khai quật năm 1993, 1994, 1995 và 1999, các đoàn công tác phát hiện dấu vết của cư dân sơ sử ở Trường Sa, những mảnh sứ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
"Những dấu tích khảo cổ kết hợp với tư liệu Hán Nôm, tư liệu lịch sử khẳng định sự có mặt sớm và liên tục của người Việt ở Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền và việc thực thi chủ quyền liên tục của người Việt với hai quần đảo này và Biển Đông", Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học nói.
PGS Bùi Văn Liêm cho biết thêm, việc nghiên cứu chuyên sâu khảo cổ học dưới nước ở Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được tiếp tục. Viện Khảo cổ học đang xây dựng quy hoạch khảo cổ học ở Trường Sa để bảo vệ những "bằng chững thép" về chủ quyền biển đảo ngàn đời của dân tộc.
TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, cho rằng Việt Nam đang thiếu nghiên cứu về những con tàu. Lấy ví dụ về tàu buôn Ả Rập từ thế kỷ 8-9 bị mắc cạn ở Bình Châu (Quảng Ngãi), trung tâm của Chăm pa cổ, nơi thuận giao thương lâm thổ sản, ông Việt chỉ ra đây là bằng chứng cho thấy Biển Đông là con đường huyết mạch gắn bó với Việt Nam từ rất lâu. "Hiện vật này một lần nữa nhắc nhở con cháu người Việt ngàn đời không thể bỏ Biển Đông", TS Việt nói.
Theo ông Việt, việc Trung Quốc tìm cách đệ trình "Con đường tơ lụa trên biển" lên UNESCO với lý do bảo vệ các khu vực khảo cổ học ở Biển Đông là khó chấp nhận, vì "con đường này là của nhân loại chứ không riêng Trung Quốc".
TS Lê Thị Liên, Trưởng phòng Khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng cho rằng, Trung Quốc đăng ký "Con đường tơ lụa" nhưng không có nghĩa họ là chủ nhân duy nhất của con đường này. Khái niệm "Con đường tơ lụa" theo bà Liên được đặt ra vì tơ lụa là hàng hóa quý hiếm, có giai đoạn người La Mã rất thích nên đi buôn nhiều. Ngoài tên gọi đó, người ta có thể gọi nó là con đường gốm sứ, con đường gia vị cũng được…
Theo TS Liên, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong "Con đường tơ lụa". Phù Nam (Nam Bộ ngày ngay) là vương quốc hải thương rất mạnh vào đầu công nguyên, khống chế toàn con đường thương mại vì lúc đó khu vực này cung cấp nhiều lương thực, thuận tiện đi lại giữa bờ Đông - Tây Thái Bình Dương, tuyến đường từ Trung Á sang Địa Trung Hải - Ấn Độ - Đông Nam Á - Trung Quốc.
Quỳnh Trang