Khi uống rượu, ngoài mệt mỏi, một số người có thể gặp tình trạng da tái nhợt, trong khi số khác thì đỏ bừng. Một số người lo lắng những tình trạng này là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Hội chứng đỏ mặt khi uống rượu bia (Asian Flush) là phản ứng của cơ thể với rượu. Các triệu chứng như xuất hiện mảng đỏ bừng hoặc ban đỏ trên mặt, cổ, vai, thậm chí toàn bộ cơ thể; tim đập nhanh, toát mồ hôi, đau nhức đầu...
Bác sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh, tư vấn di truyền tại công ty Genetica (TP HCM) giải thích, một số người nghĩ rằng đỏ mặt khi uống rượu bia là biểu hiện lưu thông máu tốt nhưng thực chất không phải như vậy. Tình trạng này là do sự tích tụ chất độc trong cơ thể, thường gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm. Chất độc từ ethanol của rượu sẽ khiến các mạch máu trong cơ thể giãn ra, gây đỏ da. Dưới góc độ di truyền, người bị đỏ mặt do uống rượu có thể do lỗi của gene ALDH gây thiếu hụt enzyme aldehyde dehydrogenase. Enzyme này tham gia vào quá trình chuyển hóa, phân hủy chất độc hại có trong các loại thức uống có cồn này.
Theo nghiên cứu của Nhật Bản đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ, nhiều người Đông Á dễ bị thiếu hụt enzym khiến da ửng đỏ, đỏ bừng khi uống rượu. Các nhà khoa học từ Viện quốc gia về lạm dụng rượu và nghiện rượu (NIAAA) của Nhật Bản từng cảnh báo, người đỏ mặt khi uống bia, rượu dễ có nguy cơ ung thư thực quản.
Enzyme aldehyde dehydrogenase 2 (ALDH2) đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa rượu. Khi uống rượu, đầu tiên nó được chuyển hóa thành acetaldehyde, một chất hóa học tương tự như formaldehyde, gây tổn thương DNA và có các tác dụng thúc đẩy ung thư khác. ALDH2 chịu trách nhiệm chính phân hủy acetaldehyde thành acetate, một chất chuyển hóa không độc hại trong cơ thể.
Theo giải thích của nghiên cứu này, người Đông Á có hai biến thể chính của gene ALDH2 - một loại tạo ra một loại enzyme có hoạt động bình thường và một loại khác tạo ra một loại enzyme không hoạt động. Khi những người có biến thể không hoạt động uống rượu, acetaldehyde tích tụ trong cơ thể, dẫn đến đỏ bừng mặt, buồn nôn và tim đập nhanh. Đối với những người có hai bản sao của biến thể không hoạt động, các triệu chứng này nghiêm trọng đến mức họ có thể uống rất ít rượu.
Những người chỉ có một bản sao của biến thể không hoạt động có thể chịu được tác động khó chịu của acetaldehyde, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản liên quan đến rượu. Nguy cơ này cao hơn khoảng 6-10 lần so với những người có enzym ALDH2 hoạt động hoàn toàn khi uống một lượng tương đương rượu bia.
Bác sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ thêm, ngoài ung thư thực quản, nguy cơ cao mắc chứng cao huyết áp, tim mạch... có thể gặp nhiều hơn ở những người bị đỏ mặt vì rượu bia. Dùng nhiều thức uống có cồn không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, thường gặp là viêm gan, xơ gan, ung thư gan... Chất cồn trong rượu bia còn có thể gây nhiễm độc, tác hại đến hệ thần kinh. Người uống nhiều có thể bị giảm tỉnh táo, suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức... Nguy cơ bệnh tật và hậu quả có thể khác nhau ở mỗi người tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, cơ địa... Khi lượng rượu bia nạp vào cơ thể càng tăng thì nguy cơ này sẽ cao hơn.
Đỏ mặt do rượu bia là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp vấn đề về xử lý chất độc hại trong rượu, làm tăng nguy cơ nhiễm độc và bạn nên dừng uống. Tùy vào từng người, mức độ nhạy cảm của cơ thể mà có những người bị đỏ mặt ngay sau khi uống lượng ít hoặc có người chỉ đỏ mặt khi uống nhiều. Đỏ mặt do uống rượu có tính chất di truyền, thường gặp ở người châu Á.
Theo các khuyến cáo, nam giới không nên uống quá hai ly rượu, còn nữ giới là một ly mỗi ngày, phụ nữ mang thai cần tránh uống các loại thức uống có cồn này. Những người có các bệnh lý nền được khuyến cáo không nên rượu bia.
Kim Uyên