- Khác với "Những cánh bướm cuối thu", anh giữ bí mật về show sắp tới. Đâu là lý do?
- Show diễn hồi tháng 9 năm ngoái là bài học thú vị cho cả tôi và êkíp. Tôi dùng chữ "thú vị" vì mọi thứ trên đời đều có hai mặt. Chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều khi đồ mình chưa diễn mà vải vóc, đầm họa tiết bướm đã bán đầy chợ và các shop. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sức phủ sóng của tôi với thị trường. Có lẽ khó có bộ sưu tập nào của tôi vượt qua "Những cánh bướm cuối thu" về doanh thu lẫn sự yêu mến của chị em.
Tôi không sợ hàng nhái, vì tôi có đối tượng khách hàng riêng. Nhưng hàng nhái bây giờ tinh vi và phổ biến đến mức khách đến mua còn hỏi tôi: "Làm thế nào thế phân biệt hàng thật - hàng giả, để chị về nói lại nếu có ai nghi ngờ?". Từ đó, tôi phải kiểm soát phần nào tình trạng này, ít nhất là trong giai đoạn đầu bộ sưu tập ra mắt. Nhưng tôi có thể tiết lộ, với bộ sưu tập mới, tôi đem cả bãi biển vào sàn catwalk để thay đổi khái niệm "đồ đi biển càng giản dị càng tốt". Sân khấu sẽ rộng, đẹp và... tốn kém nhất từ trước đến nay của tôi.
- "Những cánh bướm cuối thu" lặp lại "Le Jardin" khá nhiều về các phom dáng. Anh định mang đến thay đổi gì trong bộ sưu tập mới "Sea of Memory"?
- Các thương hiệu thế giới cũng thường lặp lại mình với những thiết kế đã thành công và bán chạy. Dĩ nhiên tôi sẽ có chút phá cách về họa tiết, kiểu dáng. Chẳng hạn, lần này tôi vẫn làm tay phồng nhưng độ phồng có tỷ lệ khác. Họa tiết cũng quen thuộc, thậm chí là những "hot trend" nhiều mùa trước, nhưng được pha màu và phối lại với nhau để khách hàng thấy hào hứng và mới mẻ.
Tôi cho rằng, người thay đổi liên tục là người chưa thành công, vì họ vẫn loay hoay tìm hướng đi riêng. Tôi cũng từng nằm trong số đó. Cho đến sau Elle Show 2012, khi bộ sưu tập ứng dụng bán chạy ngoài sức mong đợi, tôi biết mình đã tìm được con đường cần theo đuổi.
Mọi người cứ chỉ trích nếu thích, nhưng tôi chỉ thay đổi khi nào khách hàng nhàm chán và bảo tôi hãy làm mới đi. Một nhà thiết kế thành công là khi bộ sưu tập của họ đắt hàng chứ không phải nhận được những lời khen nức nở rồi đem về cất trong tủ kính.
- Anh nói gì trước những lo ngại, sự thực dụng của anh sẽ làm mất đi tính nghệ thuật trong thời trang?
- Nếu là người hoàn toàn thực dụng, tôi sẽ đầu tư vào bất động sản chứ không chi vài tỷ đồng cho một show diễn 30 phút. Mỗi năm tôi lại mất hai cái nhà như vậy. Thú thật, khi nhận bảng báo giá cho dự án lần này, tôi cũng choáng với số tiền phải chi gấp mấy lần dự tính. Nhiều người khuyên tôi làm show nhỏ thôi, quan trọng vẫn là trang phục, nhưng tôi không làm được. Tôi là người kinh doanh, tất nhiên không vung tiền để chơi trội. Nhưng một bộ trang phục đẹp khi đặt trong không gian đẹp mới thật sự tỏa sáng.
Nghệ thuật của tôi không nằm ở những gì quá to tát và vĩ đại. Nó là khu vườn, là bãi biển, là những gì nằm trong ký ức và hiện tại của tất cả chúng ta. Show của tôi luôn có ba phần: hai phần ứng dụng và một phần nghệ thuật. Bộ sưu tập ứng dụng luôn bán chạy gấp trăm lần bộ sưu tập cuối, nhưng tôi vẫn duy trì tất cả để có sự đa dạng trong show. Chắc chắn, khi nào bạn thấy tôi vẫn làm show lớn tức là tôi còn bán được đồ.
- Sau những show riêng ở Việt Nam, anh có dự định nào cho thị trường quốc tế?
- Tôi chưa nghĩ đến vấn đề này dù nhận được một số lời mời. Diễn quốc tế thực ra dễ hơn nhiều người tưởng, quan trọng là có tiền, có mối quan hệ hay chủ đề phù hợp. Diễn giao lưu văn hóa cũng là diễn quốc tế. Đem đồ đi triển lãm cũng là diễn quốc tế.
Tôi chỉ diễn khi bảo đảm đồ của mình đáp ứng được nhu cầu của khách bản địa. Hiện tại, cửa hàng của tôi may mắn có nhiều vị khách nước ngoài ghé mua. Đó là tín hiệu tích cực đầu tiên. Có lẽ vài năm tới, thương hiệu Đỗ Mạnh Cường sẽ tính đến những chuyến lưu diễn.
- Anh được xem là nhà thiết kế có chiến lược truyền thông bài bản. Việc mời sao diện trang phục mới trên thảm đỏ có nằm trong tính toán này?
- Các ngôi sao diện đồ Đỗ Mạnh Cường vừa là bạn, vừa là khách hàng ruột. Trước mỗi show, họ đặt tôi may đồ mới để diện trên thảm đỏ. Đó hoàn toàn là sự tự nguyện vì muốn ủng hộ thời trang nước nhà. Thỉnh thoảng tôi cũng tặng đồ vào những dịp đặc biệt như sinh nhật. Nhưng nếu là người yêu thời trang và có tầm trong giới, họ cũng chẳng vui nếu mình làm thế. Diễm My, Hà Tăng, Linh Nga... đều là khách hàng thân thiết của tôi dù họ không thiếu đồ hiệu, cũng không thiếu lời mời thiết kế đồ miễn phí. Là người nổi tiếng, họ càng ý thức giá trị cá nhân, không phải ai đưa đồ cũng mặc.
- Anh nói gì nếu có một sao đình đám ngỏ ý mượn đồ anh mặc đi sự kiện?
- Không phủ nhận, một số mẫu váy áo Hà Tăng, Linh Nga hay Đặng Thu Thảo mặc đều bán cực kỳ chạy sau đó. Nhưng khi tôi cảm ơn, họ đều nói đây là sự cộng hưởng từ hai phía, vì tôi cũng giúp họ đẹp hơn. Các sao tôi quen đa phần hiểu rõ tính cách thẳng thắn và muốn ủng hộ tôi nên ít ai hỏi mượn. Với những người khác, câu trả lời thường gây mất lòng, trừ khi đó là những trường hợp tôi quý mến hoặc thấy họ thật sự cần giúp đỡ, như người mẫu Next Top. Đợt The Voice 2013, tôi cũng hỗ trợ trang phục cho chị Mỹ Linh. Và rồi chị cũng mua vì thích sở hữu hẳn.
Trang phục khẳng định phong cách và đẳng cấp người mặc. Tôi nghĩ, nhà thiết kế cứ cho sao mượn đồ tùy tiện sẽ tạo ra những ảnh hưởng không tốt đến thị trường và thương hiệu.
- Vì sao anh hạn chế hỗ trợ đồ cho sao nhưng lại thoải mái hơn với các người mẫu?
- Vì thu nhập họ quá thấp so với danh tiếng và sức lao động. Mỗi show diễn ở chương trình thời trang cát-xê tầm 500.000 đồng, chụp cho tạp chí có khi chỉ vài ba trăm nghìn, mà mấy tháng sau mới nhận được. Diễn cho thương hiệu nhỉnh hơn, nhưng một tháng có mấy show như thế? Em nào chăm chỉ lắm, mỗi tháng thu nhập 10 triệu là cao rồi.
Những người mẫu chân chính như Hoàng Thùy, Lê Thúy, Trang Khiếu... chắc chắn không phải là típ người của các "đại gia". Trên sàn diễn, các em vấp phải sự cạnh tranh từ diễn viên, ca sĩ, hot girl... Đó là lý do tôi tạo mọi điều kiện để họ phát triển... Dù vậy, tôi vẫn khuyên các em phải học ngoại ngữ và nâng cao kiến thức để tạo nên vị trí riêng trong thị trường. Tôi cũng đâu thể giúp các em cả đời.
- Từng để ngỏ khả năng thành lập công ty người mẫu riêng trong năm nay, anh đã chuẩn bị đến đâu?
- Chưa đến đâu cả, vì tôi quá bận rộn kinh doanh và làm show. Mặt khác, tôi khảo sát và thấy công việc này có nhiều bất cập. Ở nước ngoài, người mẫu đều có công ty quản lý độc quyền, muốn book show phải qua công ty. Giá của họ vì vậy mới ổn định và đồng đều. Còn nước mình các người mẫu chưa chuyên nghiệp, toàn "phá giá", thậm chí diễn miễn phí để có cơ hội phủ sóng hình ảnh. Đó cũng là cơ hội để nhà tổ chức "ép giá".
Nhưng chắc chắn, tôi vẫn hỗ trợ các người mẫu cũ và tìm kiếm gương mặt mới theo cách làm hiện tại. Có em sẽ gắn bó lâu dài với nghề, có em chỉ xem đây là trải nghiệm. Nhưng tôi tin rằng, tất cả những điều đó sẽ mang đến một làng thời trang Việt mới mẻ hơn trong tương lai.
- Dành nhiều tâm huyết cho thời trang, cảm giác của anh thế nào khi nhiều người gọi anh là "nhà thiết kế gắn liền với những scandal"?
- Tôi nghĩ riêng chữ scandal đặt trong thời trang là không hợp lý. Thời trang thì làm gì có scandal. Khi nhìn thời trang dưới con mắt của showbiz, người ta sẽ tạo ra những khái niệm hạ thấp sự thanh lịch và cao quý của nó. Bản thân tôi cũng chán khi nhận được những câu hỏi mà có trả lời thế nào cũng bị chỉ trích.
Có thể phát ngôn của tôi không bọc đường, nhưng tôi cảm thấy mình không làm sai điều gì để gây sốc, tạo scandal. Lần nào cũng thế, mỗi khi tôi ra bộ sưu tập mới, người ta lại chăm chăm xem có thiết kế nào giống ngoại không, để đặt nghi án "ăn cắp mẫu". Trong khi, những nỗ lực để tạo ra một show diễn theo chuẩn quốc tế, tạo ra xu hướng phổ biến thì lại không được đề cập.
Tôi từng rất buồn về điều này. Nhưng tôi nhận ra mình thiết kế đồ cho khách hàng chứ không phải cho những người thích chê bai. Những người thích bình luận, khen chê lại không mua đồ của tôi, vậy thì tôi có lý do gì để làm theo ý họ?
Vân An thực hiện