Không giống như nhiều nước trên thế giới, thói quen mua và sử dụng iPhone tại Việt Nam tạo ra nhiều tình huống trớ trêu khi sử dụng. Mỗi tài khoản Apple ID đăng nhập trên iPhone, iPad thường chỉ được khuyên dùng trên một thiết bị hoặc nhiều thiết bị nhưng phải cùng một chủ sở hữu. Tuy nhiên, người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là "chị em" thường ít quan tâm đến vấn đề này.
Anh Thế Mạnh (Kim Giang, Hà Nội) rất bất ngờ khi bấm gọi Facetime cho cậu bạn thân nhưng cuối cùng lại đến di động của vợ anh này. Sự hiểu lầm đáng tiếc rất may đã không xảy ra khi anh bạn phát hiện vợ mình vì ngại lập tài khoản mới đã đăng nhập luôn tài khoản của chồng vào iPhone.
Không may mắn như trường hợp của anh Mạnh, chị Minh (Cầu Diễn, Hà Nội) vô tư cho bạn mượn tài khoản Apple để tải phần mềm. Nhưng sau đó chị hốt hoảng và lo lắng khi người bạn này sau đó lại có được một số hình ảnh khá nhạy cảm của chị. Sau khi được giải thích, chị mới hay iPhone có chế độ đồng bộ ảnh, video lên tài khoản iCloud và người bạn kia chỉ cần đăng nhập iCloud bằng "user name" và "password" của chị là có thể lấy được hết ảnh của chị về.
Anh Quốc Huy, nhân viên một công ty truyền thông ở TP HCM, chia sẻ, trước đây anh thường đăng nhập luôn tài khoản của mình khi mua máy hộ các đồng nghiệp và cho mật khẩu để tải phần mềm. Sau khi rút kinh nghiệm và đổi mật khẩu để bảo đảm sự riêng tư, anh vẫn gặp không ít phiền toái. "Nhiều chị em cứ thấy máy hỏi tài khoản khi update gì đó là lại gọi tôi xin mật khẩu. Họ cũng không thể tự lập tài khoản mới nên cuối cùng mình lại là người làm hộ nên rất mất thời gian và phiền toái", anh Huy kể. "Có hôm không tìm thấy điện thoại, mình bật Find My iPhone trên iPad lên để kiểm tra thì thấy iPhone của mình hiện khắp nơi, từ quận 3 tới quận 7", anh hài hước nói.
Nhiều người dùng tại Việt Nam khi mua hàng cũng để mặc cho các kỹ thuật viên cài một tài khoản Apple ID có sẵn vào máy thay vì lập hẳn một tài khoản mới. Điều này vừa khiến bản thân có thể bị lộ thông tin hoặc không thể tự nâng cấp một số phần mềm dù rất đơn giản.
Tài khoản Apple ID thực tế có thể coi là "linh hồn" của iPhone hay iPad. Mọi dữ liệu, định danh trên máy đều có liên quan đến tài khoản này. Các chương trình liên lạc như Facetime, iMessage cho phép gửi và nhận thông qua số điện thoại và tài khoản Apple ID. Chính vì vậy, các máy cùng đăng nhập một tài khoản có thể nhận cuộc gọi, tin nhắn như nhau. Điều này tương tự với dữ liệu iCloud khi được sao lưu cũng có thể bị người khác khai thác khi có thông tin về tài khoản Apple ID.
Các cửa hàng bán iPhone, iPad thường ngại lập tài khoản mới cho khách nếu chưa có vì mất thời gian. Hơn nữa, họ cũng muốn cài sẵn một số ứng dụng có phí thông qua tài khoản có sẵn này nên thường không đưa ra lời khuyên chính xác nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế khi không có tài khoản, ngay trên iPhone cũng có hướng dẫn lập một tài khoản mới nhanh chóng và dể hiểu. Người dùng nên bắt buộc sở hữu một tài khoản riêng để đảm bảo tính riêng tư với hàng loạt dữ liệu như tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh, danh bạ... hay ngay cả thao tác đơn giản nhất là có thể tự cập nhật phần mềm mới.
Những người dùng điện thoại Android gần như không gặp phải tình trạng này. Mỗi máy cũng kèm một tài khoản nhưng là Gmail vốn nhiều người dùng Việt Nam đều sở hữu nên có ý thức bảo mật cao hơn. Trình gọi điện, nhắn tin miễn phí đi kèm máy là Hangouts cũng không phổ biến và phải kích hoạt mất vài bước mới có thể sử dụng nên đa phần người đã dùng đều hiểu rõ về ứng dụng.
Tuấn Hưng