"Với tôi, sex là một điều tự nhiên". Ảnh nhân vật cung cấp. |
Bình thản trên đất Mỹ
Lần đầu đến Mỹ, tôi không hề háo hức. Cảm giác bình thản khi đặt chân xuống sân bay San Francisco như bao lần đặt chân đến Sài Gòn. Tại sân bay có hai cửa ra, một dành cho những người nước ngoài, một dành cho công dân Mỹ. Tôi đến Mỹ với visa du lịch, lẽ ra phải đi theo cửa dành cho người nước ngoài nhưng Alec đã nói với nhân viên sân bay để tôi được đi cùng cửa với anh ấy. Tôi bị săm soi khá lâu. Cuối cùng, nhân viên an ninh sân bay tìm kiếm thông tin trên Google. Sau khi nhận được hàng nghìn kết quả hiện ra, anh ta đã nhìn tôi đầy ngạc nhiên và dõi theo khá lâu khi tôi đi. Âu cũng là một điều may mắn.
Từ sân bay về nhà, ngồi trên taxi khoảng 30 km, cảnh vật sừng sững loang loáng lướt qua, tôi bình thản. Không ồ à, trầm trồ. Buổi sáng hôm sau tỉnh dậy có cảm giác như đang ở Hà Nội. Những ngày sau vẫn thế. Đến tận bây giờ tôi vẫn không lý giải được tại sao mình lại bình thản đến thế trước một thế giới mới.
Khóc ở Mỹ
Tuy rằng tự nhận lòng bình thản nhưng tôi cũng đã hai lần khóc. Bình thường, hằng ngày tôi đều đi bộ để mong sinh nở dễ dàng. Một lần, tôi đi bộ một mình, đường đèo dốc, mồ hôi ròng ròng, tôi khó nhọc lê từng bước. Hình ảnh một người phụ nữ bụng to gần đến mặt, loạng choạng trong buổi tối nhập nhoạng chắc là trông rất kinh. Chiếc ôtô đầu tiên đi qua dừng lại hỏi: “Cô có bị sao không”, tôi đáp: “Không, tôi vẫn ổn”. Chiếc ôtô thứ hai, thứ ba, thứ tư lại dừng, lại hỏi, lại đi. Tôi ngồi xuống và bật khóc, trào lên một nỗi xúc động, sự nhớ nhà, nhớ quê hương, và cả niềm hờn tủi. Khóc vì thấy mình cô đơn và nhỏ bé.
Cũng một lần khác, tôi lại khóc. Khóc vì hoang mang và lo sợ. Một đêm tôi nghe tiếng súng nổ gần nhà, cả đêm đó tôi đã không ngủ được và tưởng tượng ra đủ thứ. Sáng hôm sau tôi và Alec đi siêu thị, trên đường đồi dốc không có một chiếc ôtô nào ngoài xe của chúng tôi. Đúng lúc ấy tôi nhìn thấy một toán thanh niên ăn mặc quái đản xăm trổ đầy mình đứng ở vệ đường. Tôi đã nghĩ ra những điều rất kinh khủng: họ sẽ dừng xe tôi lại, bắt vợ chồng tôi đưa đến nhà kho bỏ hoang, trói Alec vào ghế và vờn vờn chiếc dao quanh bụng bầu của tôi. Và thế là tôi đã không ngăn được mình nức nở.
Tôi, khi là người đàn bà của gia đình
Sau khi sinh con một thời gian, chúng tôi trở lại Việt Nam. Con gái được đặt tên là Asa, một cái tên cũ trong Kinh Thánh, dễ gọi và thường chỉ dành cho con trai. Có lẽ vì thế mà em bé nghịch như quỷ, chỉ đi ngủ sau 1h sáng và sẵn sàng gầm gừ mỗi khi ai làm mình cáu, dù "quỷ con" mới 9 tháng tuổi.
Khi em bé đến tuổi đi học, vợ chồng tôi sẽ đưa Asa về Mỹ. Alec không hài lòng với cách giáo dục ở Việt Nam. Ở Mỹ, trẻ em 6 tuổi đến trường được giáo dục về cái tốt, cái xấu, niềm vui, nỗi buồn chứ không phải là nhồi nhét sách vở trong những cái ba lô to tướng. Gần nhà tôi đang ở, có lớp học thêm nhồi bao nhiêu học sinh.
Khi Asa lớn, chúng tôi sẽ giáo dục rất nghiêm khắc. Chúng tôi mong cháu trở thành một người tốt, trước khi thành một người giỏi.
Chồng Mỹ, vợ Việt, chúng tôi cũng gặp bất đồng văn hóa như bao người khác cùng hoàn cảnh nhưng nói chung không có chuyện gì lớn. Tôi tin, dần dần sẽ biết cách để nhường nhịn, hoà hợp.
Tiểu thuyết mới “Rắn và tôi”
"Thân thể ba cô gái đang thì thanh xuân, non, tươi, căng, cứng. Thoắt chốc biến thành ba con rắn trơn nhầy từ từ vươn dài, phủ kín, chèn lấp tôi. Muôn vàn sợi tóc dài của họ là muôn ngàn con rắn nhỏ tung rối trên bụng tôi, trên đùi tôi. Tôi biết họ. Tôi kêu tiếng kêu loài trăn chúa bị kẹt trong hang giương đôi mắt nhỏ nhìn người tình cầm rìu đợi bên ngoài. Trích Rắn và tôi |
Có chồng và con nhỏ, tôi ít dành thời gian cho viết văn. Với tôi, trước sau, viết văn không phải là một cái nghề. Vì mình không phải là người viết chuyên nghiệp và không kiếm tiền bằng nghề viết. Nhiều lúc ngồi tôi không biết mình sẽ viết gì và từng viết như thế nào. Cho đến khi ngồi vào bàn và các thứ cứ thi nhau tuôn ra. Tôi ngoài đời rất yếu đuối. Những gì mình thiếu thì thường hay tìm. Tôi tống sự mạnh mẽ bản năng vào trong tác phẩm. Những tác phẩm cũng chứa đựng những giấc mơ, thường là ác mộng.
Rắn và tôi - tác phẩm thứ hai nhưng là cuốn tiểu thuyết đầu tay chứa những ám ảnh của tôi về loài rắn. Ám ảnh thủa nhỏ tôi bị con rắn hổ mang rất to đuổi ở vườn cà. Chị gái tôi cũng từng bị trăn đuổi. Xuyên suốt tác phẩm là rắn. Rắn trong ý nghĩ, rắn ở ngoài vườn, rắn thành người, người thành rắn. Với tôi, rắn là loài vật thiêng, thông minh, bí ẩn và có mối liên hệ với những đấng siêu nhiên. Nhân vật chính là một cô luật sư sống trong ngôi nhà có vườn rộng, với một người giúp việc bí ẩn. Ngôi nhà trước đây hình như từng là dinh cơ của loài rắn.
Có người nói, tôi đưa mình vào nhân vật chính, thực ra không phải. Việc chuyển nhân vật cô luật sư từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất chỉ để cảm giác chuyện có vẻ thật hơn và việc tôi cũng từng là một cô luật sư là để đưa những kiến thức nghề nghiệp mà tôi đã có vào giúp chuyện vững vàng hơn mà thôi. Tôi không đi sâu vào nghề nghiệp nhân vật, không quan tâm họ giỏi hay dốt, xấu hay đẹp, giàu hay nghèo, những hiện thực “sờ sờ” mà đi sâu vào đời sống tâm linh, cái hố thẳm trong tâm hồn họ, thứ mà người ngoài không thể thấy cho đến khi chính người trong cuộc tự bật nắp ra.
Đỗ Hoàng Diệu thích đi sâu khám phá hố thẳm và kiếp người. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Với tôi, sex là một điều tự nhiên
Câu chuyện này có cướp, giết, hiếp. Nhiều người nói tại sao tôi lại tiếp tục chọn sex, phải chăng để câu khách? Tôi không nghĩ thế vì ngay lần đầu tiên viết Bóng đè, tôi đã không nghĩ sẽ xuất bản ở Việt Nam. Bản thân tôi, nếu đứng ở địa vị độc giả cũng không nghĩ sex là điều quan trọng. Đó chỉ là một cái tự nhiên. Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại chọn sex để chuyển tải câu chuyện, có lẽ vì đó là một con đường. Giống như ta vào Sài Gòn có thể đi máy bay, tàu hỏa, ôtô, thậm chí cả xe đạp, xe máy nhưng sang Mỹ chỉ có thể bằng máy bay, tàu thủy. Cái nào cảm thấy tiện nhất, phù hợp nhất để chuyển tải thông điệp của bản thân thì mình dùng thôi.
Có lẽ những câu chuyện của tôi quá bản năng nên đã chia độc giả của tôi thành hai thái cực. Nghệ sĩ Trần Bình, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, nói với tôi: “Cô đã chia đôi đàn ông Việt Nam thành hai nửa, một nửa khen cô lên tận trời, một nửa coi cô như quỷ dưới địa ngục”. Tôi thì luôn tự nhủ mình, khen quá đừng tự thỏa mãn, chê quá đừng chùn bước. Tôi rút được kinh nghiệm từ Bóng đè luôn luôn bình tĩnh và sống cuộc sống đời thường.
Cuốn sách mới của tôi hiện được rất nhiều nhà xuất bản đặt vấn đề. Nhưng tôi cũng đã cảnh báo trước với họ, đừng hy vọng lập lại kỳ tích của Bóng đè.
Hiện tôi chuyên tâm cho gia đình. Có lần tôi cho Asa vào xe đẩy đi chơi, một chị từ đằng sau cố vượt lên hỏi “Cô trông con cho người Tây à? Có được nhiều tiền không?”, tôi cười: “Vâng, cũng đủ”.
Ngọc Trâm ghi