
Khu trục hạm USS Curtis Wilbur (DDG 54) của hải quân Mỹ, con tàu tuần tra sát đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, tháng 11/2015. Ảnh: Wikipedia.
"Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều hơn và phức tạp hơn trong tương lai... Chúng tôi sẽ bay, giương buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", Reuters dẫn lời Đô đốc Harry Harris, đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho biết trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện.
Theo ông Harris, Mỹ phải tiếp tục hoạt động ở Biển Đông để thể hiện rằng "đây là vùng biển và vùng trời quốc tế".
Đô đốc Harris trước đó nhận định Trung Quốc "đang thay đổi bối cảnh hoạt động" ở Biển Đông bằng cách điều tên lửa và radar ra khu vực này, nỗ lực nhằm bá quyền ở Đông Á.
Trung Quốc "rõ ràng đang quân sự hóa" Biển Đông và chỉ có người tin Trái Đất phẳng mới nghĩ khác, ông phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 23/2. Trung Quốc biện hộ các cơ sở quân sự của nước này trên Biển Đông là "phù hợp và hợp pháp".
Đô đốc Harris cho rằng Mỹ nên điều động thêm tài sản hải quân đến Biển Đông nhưng vẫn còn "những rào cản chính trị, ngoại giao, tài chính" lớn nếu muốn cho một nhóm tàu sân bay thứ hai đồn trú trong khu vực.
"Chúng ta có thể xem xét bố trí thêm tàu ngầm (tấn công) ở đó. Chúng ta có thể điều thêm tàu khu trục... rất nhiều thứ có thể thực hiện nhưng chưa thể bố trí một nhóm tàu sân bay tấn công ở Tây Thái Bình Dương", ông nói.
Mỹ tháng trước điều một tàu khu trục tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, động thái Bắc Kinh gọi là khiêu khích. Mỹ cũng thực hiện nhiều đợt tuần tra trên biển và trên không gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Như Tâm