"Câu trả lời là có thể, nhưng chúng ta phải thảo luận chi tiết hơn",
chuẩn đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn Quân sự Cấp cao tại Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) trả lời trực tuyến câu hỏi liệu EU có sẵn sàng chia sẻ công nghệ quốc phòng với Việt Nam hay không, tại hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông chiều nay.
Ông Ehle cho biết EU có các cuộc đối thoại chiến lược với các quốc gia cùng chí hướng trong châu Á và Việt Nam nằm trong số đó. Trong các cuộc đối thoại này, Việt Nam - EU có thể xác định các công nghệ có thể chia sẻ trong tương lai.
Đô đốc nhắc đến Thỏa thuận Hợp tác Cấu trúc Thường trực về Quốc phòng (PESCO) và việc EU vừa nhất trí rằng các quốc gia bên ngoài có thể tham gia vào PESCO nếu việc đó có lợi cho cả đôi bên. PESCO là cơ chế hợp tác quốc phòng của EU từng thực hiện các dự án như huấn luyện quân nhân EU, nâng cấp giám sát hàng hải hay khắc phục thảm họa. Ông nêu khả năng Việt Nam tham gia vào một trong những dự án PESCO trong tương lai.
Trong bài phát biểu tại hội thảo, Ehle nhấn mạnh EU quan tâm đến việc tăng cường khả năng của ASEAN và các quốc gia thành viên trong việc giải quyết tốt hơn các vấn đề an ninh hàng hải truyền thống và phi truyền thống, như duy trì tự do hàng hải, chống cướp biển, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, buôn lậu, tội phạm có tổ chức và ô nhiễm hàng hải.
"Tàu chiến của các nước thành viên EU đang hiện diện ngày càng nhiều trên Biển Đông. Đây là điều mà tôi đánh giá là vô cùng quan trọng", ông nói. "EU là đối tác đáng tin cậy của với các nước châu Á. Chúng tôi không có chương trình nghị sự ẩn, chỉ có chương trình mở và công khai".
EU đã phát triển một khái niệm tác chiến mới là Hiện diện Hàng hải Phối hợp (CMP), công cụ nhằm nâng cao nhận thức về an ninh hàng hải và thúc đẩy hợp tác quốc tế trên biển. Theo khái niệm này, hải quân các nước EU tham gia cung cấp khí tài, trang bị để thay phiên nhau tuần tiễu ở một khu vực địa lý nhất định theo cách thức phối hợp với nhau. Khu vực đầu tiên công cụ này được thử nghiệm là Vịnh Guinea ở bờ biển phía tây châu Phi. "Công cụ này cũng có thể được sử dụng ở các nơi khác trên thế giới, bao gồm Biển Đông", ông nói.
Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Duy trì Hòa bình và Hợp tác trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động" lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội ngày 16 - 17/11. Hội thảo có 8 phiên tranh luận chính thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến trong và ngoài nước. Họ là các học giả từ các bên liên quan trực tiếp, chuyên gia, nhà nghiên cứu và các quan chức của các nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ.
Phương Vũ