Dương Tử Thành -
Về phần mình, Đỗ Doãn Phương chia sẻ, anh làm thơ là để tập thể dục tinh thần, còn hành trình thơ của anh chính là quá trình vượt thoát khỏi cái riêng tư để đến với mọi người…
Những suy ngẫm giản dị về cuộc sống
- Trong khi nhiều hội viên với chưa tới Giải thưởng Hội Nhà văn thì anh, một người còn khá trẻ, đã sở hữu. Cảm giác của anh thế nào khi biết tin mình đoạt giải?
- Đúng là tôi rất bất ngờ khi biết tin mình đoạt giải. Với tôi thì chỉ cần được vào vòng chung khảo thôi cũng đã là một vinh dự rất lớn rồi, bởi không dễ dàng gì có thể vượt qua được “con mắt thơ” của cả một Hội đồng thơ, và tiếp theo nữa là lá phiếu của mười mấy nhà văn trong BCH Hội Nhà văn. Sau khi biết tin mình đoạt giải, tôi nghĩ rằng trong sự may mắn của mình hẳn phải có sự ưu ái của Hội dành cho những người viết trẻ.
- Theo anh, đâu là lý do để “Hoan ca” vượt lên các tập thơ khác và rinh phần thưởng?
- Lý do chính thức thì hẳn phải là các “giám khảo” trong Hội đồng thơ hay BCH Hội Nhà văn VN mới có thể nói được. Còn về phía tôi, sau hơn 15 năm làm thơ, và ra đến “Hoan ca” là tập thơ thứ ba, tôi không lúc nào ngừng tự nhận diện thơ mình. Và kết quả khiến tôi thực sự hoang mang, lúc thì nghĩ mình đã đạt đến một “cảnh giới” nào đó, lúc thì lại cảm thấy tất cả những gì mình viết ra chỉ đáng vứt đi. Có lúc cảm thấy mình đã là “hậu hiện đại” rồi, có lúc thì lại thấy mình cổ điển nhất trong trang lứa của mình.
Khi biết tin mình đoạt giải, tôi cũng ngồi rất lâu để đọc lại “Hoan ca”. Tôi tự thấy những bài thơ mà mình tâm đắc trong tập này nói lên một cách giản dị những suy ngẫm về cuộc sống. Giản dị đến mức tôi tự bỏ bớt đi rất nhiều tính từ và biện pháp tu từ, để bài thơ không có một chữ nào khó hiểu, một câu nào không chuẩn về ngữ pháp, một ý nào không rõ nghĩa, một cấu trúc nào lễnh loãng.
Cuộc sống mà tôi đề cập đến trong thơ cũng là cuộc sống hết sức bình thường, đến mức không có gì để kể thành một câu chuyện. Nhưng trong khoảng lặng của sự bình thường và lặp đi lặp lại đó, tôi thấy hiển lộ giá trị của cuộc sống, tình yêu và ý nghĩa của cái chết… Tôi nhớ trong một tuyển tập thơ Thiền thời xưa, người giới thiệu có nói về giây phút đốn ngộ của các vị thiền sư. Có vị bỗng dưng vấp phải mảnh ngói mà nhận ra được chân lý và đạt đến giác ngộ. Tôi hiểu rằng tình huống vấp phải mảnh ngói ấy chỉ là giọt nước làm tràn đầy chiếc ly suy tưởng của thiền sư. Khi làm thơ tôi chẳng dám ví mình như thiền sư, nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều về những điều bình thường trong cuộc sống để chờ đến lúc nó bật ra khi chân mình vấp phải mảnh ngói.

Tác giả Đỗ Doãn Phương.
- Anh tự gửi tác phẩm hay bằng cách nào đó nó đã đến tay Ban giám khảo?
- Ở báo Thể Thao & Văn Hóa nơi tôi công tác, tôi đã nhận được ít nhất 2 lần công văn của Hội Nhà văn VN gửi các đơn vị, đề nghị giới thiệu cho Hội các tác phẩm văn học tốt cho đợt xét giải sắp tới. Tôi khá bất ngờ khi lần đầu tiên tôi thấy một Hội chuyên ngành đi “tìm kiếm nhân tài” một cách ráo riết như vậy. Nhưng tôi chưa nghĩ là mình có cơ hội để gửi tác phẩm tham gia. Khi Hội nghị viết văn trẻ lần 8 rục rịch, nhờ sự động viên của một số bạn văn, tôi đã mạnh dạn tập hợp lại một số bài thơ mới viết để in tập “Hoan ca”. Trong dịp dự Hội nghị Viết văn trẻ, bản thảo của tôi đã hoàn thành và tôi có gửi cho một số bậc đàn anh để được góp ý. Sau khi in xong vào cuối tháng 9, tôi đã đem các tập thơ đến tặng với hy vọng có thể được đề cử để xét giải. Và sau đó, tôi rất mừng là phần lớn các bài trong tập này đã được giới thiệu lên website Hội Nhà văn VN.
Thanh thản viết bài ca vui
- Từ “Những ngọn triều nhục cảm” đến “Hoan ca” đã có gì khác đi ở Đỗ Doãn Phương?
- Khác nhau ở chỗ cái nhan đề bớt “sốc” hơn chăng? Nhiều người đọc qua nhan đề “Những ngọn triều nhục cảm” có ấn tượng rằng đây là tập thơ rất “cởi mở” rất… nhục cảm, nhưng đó chỉ là ảo giác về cái tên thôi.
Nhìn lại 2 tập thơ tôi tự thấy rằng cách viết của mình đã giản dị hơn, lý trí hơn, không còn bị cuốn theo những luồng cảm xúc rối rắm nữa. Từ chỗ phải “lặn lội” trong “những ngọn triều nhục cảm”, tôi tự thấy giờ đây mình đã thanh thản hơn để hát bài ca vui, hoà hợp với tất cả những gì xảy đến với mình.
Làm thơ là một quá trình tự nhận thức và thay đổi bản thân. Nhìn lại 15 năm làm thơ, tôi cũng tự thấy quan niệm sống của mình thay đổi rất nhiều, từ chỗ xung khắc với những gì xảy đến với mình, đến chỗ hoà hợp với tất cả. Tôi nhớ là năm 1996 khi đoạt giải Ba cuộc thi thơ Hà Tây, tôi đã phát biểu trên báo Sinh Viên rằng “Viết tiếp sẽ là điều bất hạnh”. Hồi đó tôi cứ nghĩ rằng cuộc đời có sóng gió thì thơ mới hay được. Nhưng khoảng năm 1999, trong một lần được trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, vô tình ông có nói một câu khiến tôi nhớ mãi. Ông nói đại ý rằng, thơ không phải viết về những bất hạnh cá nhân, mà là những bất trắc của cuộc đời. Tôi hiểu nôm na là không nên đi quá sâu, quá tỉ mỉ vào cái riêng tư của bản thân mình, mà phải nói về những gì “phải xảy đến” với tất cả chúng ta. Hành trình của các bài thơ của tôi theo thời gian chính là quá trình vượt thoát khỏi cái riêng tư ấy để đến với những gì có thể sẻ chia, có thể đọc to lên với mọi người. Giữa hai tập thơ trên cũng có một hành trình như vậy.
- Với “Những ngọn triều nhục cảm” đoạt giải thưởng Bách Việt anh đã được gọi bằng cụm từ “người quét sạch thơ trẻ hiện đại”, còn với “Hoan ca” anh muốn mọi người dành cho mình điều gì?
- “Quét sạch thơ trẻ hiện đại” là tôi bị gọi chứ không phải được gọi đâu nhé… (cười). Với “Hoan ca” tôi muốn mọi người dành cho tập thơ chỉ mười lăm, hai mươi phút thôi. Bởi nó rất dễ đọc. Hãy đọc để đồng cảm với những suy ngẫm hết sức giản dị của tôi về những điều hết sức bình thường mà tất cả chúng ta đều có thể gặp trong cuộc sống.

Bìa tập thơ đoạt giải.
- Giả sử cuộc sống của anh không có những vần thơ thì khoảng trống đó sẽ thay thế bằng gì?
- Có một đoạn thơ tôi viết về điều này: “Ngài ở ngay trong ký ức tôi, nhưng tôi không sao nhớ được mặt Ngài/ Tôi cảm thấy đâu đó quanh tôi Ngài đang tồn tại/ Tâm hồn tôi rối loạn/ Khắp mặt đất chạy rông” (Ba khúc niệm - Hoan ca). Suy nghĩ về những điều đang xảy ra với mình, đó là nhu cầu nhận thức tự thân. Diễn đạt được những suy nghĩ đang ám ảnh mình tức là chiến thắng được chúng. Tôi xem việc làm thơ (tự nhận thức và tự diễn đạt bản thân) là một cách để tập thể dục tinh thần, nó khiến cho đầu óc mình không bị lộn xộn, rối rắm và cuộc sống của mình trở nên cân bằng. Nếu không viết được những vần thơ, thì tôi sẽ diễn đạt bản thân mình theo những các cách khác. Ghi nhật ký chẳng hạn. Tất nhiên, nhật ký chỉ là mô tả lại diễn biến tâm trạng của mình, chứ không chiến thắng được nó.
Công chúng sẽ tìm những gì họ cần
- Thời nay, thứ na ná thơ thì nhiều, còn thơ thực sự thì rất ít, theo anh đó có phải là lý do khiến công chúng “cảnh giác” với thơ?
- Theo dõi cách đọc của công chúng, tôi gặp những điều mâu thuẫn mà mình không tự lý giải được. Có lúc tôi nghĩ rằng vì không có tác phẩm hay nên công chúng thờ ơ, có lúc tôi lại thấy rằng vì văn hoá đọc xuống cấp, nên công chúng chỉ chạy theo những gì giật gân.
Tôi đi đến suy nghĩ thế này: Công chúng bây giờ có nhiều sự lựa chọn, và bản thân họ cũng luônchủ động lựa chọn những gì mình cần. Nếu người viết không đủ tự tin về việc mình có thể làm nên một cơn sốt, để bắt người đọc phải chủ động đi tìm mình để đọc (như Harry Potter, hay các tiểu thuyết của Murakami...), thì người viết hãy viết một cách giản dị nhất để rút ngắn khoảng cách với công chúng. Thơ cũng thế thôi. Một ngày đẹp trời nào đó, người đọc tình cờ ghé qua sạp thơ của mình, nếu họ đọc bài đầu tiên thấy mình viết một cách cầu kỳ, cao siêu, đánh đố thì họ sẽ bỏ đi ngay (vì còn nhiều sạp hàng ngon lành khác ở bên cạnh). Vì thế, nên tranh thủ thời gian lúc độc giả chưa bỏ đi, hãy nói ngắn gọn những điều mình cần phải nói...
- Đỗ Doãn Phương đã đi một con đường riêng trong sáng tạo, trong đời sống anh cũng ít xuất hiện trong những hoạt động văn học. Làm kẻ độc hành đứng tách ra, nhìn về đám đông những người viết trẻ, anh có nhận ra điều gì?
- Tôi không nghĩ rằng mình đứng tách ra. Vừa đi dự Hội nghị Viết văn trẻ lần 8 tại Tuyên Quang hồi tháng 9 vừa rồi, tôi cũng như rất nhiều đại biểu hội nghị gặp nhau, đều tha thiết muốn hiểu về nhau một chút để cuộc trò chuyện được thân tình. Nhưng rất nhiều “pha” là hai bên chả hiểu gì về nhau, từ thuộc một câu thơ của nhau đến đọc của nhau một truyện ngắn... Tất nhiên, hiện tượng này không phải là phổ biến, nhưng nó cũng cho thấy rằng không ít người viết trẻ, vì bận bịu các công việc riêng, hoặc vì những lý do nào đó, mà không được đọc nhiều về những người cùng trang lứa với mình. Bản thân tôi, do công việc làm báo hết sức căng thẳng cũng không có nhiều cơ hội để tham gia vào đời sống văn học. Vả lại, với những bài thơ đơn sơ về cuộc sống bình lặng của mình, về chút tình bé nhỏ giấu kín trong lòng, thỉnh thoảng lấy ra làm lương khô cho cuộc sống, tôi chẳng nghĩ rằng mình có thể đại diện cho ai, ngoài chính mình cả. Vì thế mà bạn thấy tôi có vẻ đứng tách biệt trong đời sống văn học sôi nổi.
- Giữa năm nhận chức Phó tổng biên tập Báo Thể Thao Văn Hóa, cuối năm tiếp tục nhận giải thưởng Hội Nhà văn, có thể coi năm 2011 là năm của Đỗ Doãn Phương?
- Cảm ơn lời chúc của bạn. Hai việc đó (làm báo và viết văn), tôi lại thấy ít liên quan đến nhau nhất, vì thế không thể gộp chung trong một niềm vui.
Đỗ Doãn Phương sinh năm 1977 tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên truyền. Đã in các tập thơ: Ánh chớp, Những ngọn triều nhục cảm; Hoan ca. Giải 3 cuộc thi thơ Hà Tây; Lọt vào chung kết Giải Bách Việt với tập thơ “Những ngọn triều nhục cảm”; Giải thưởng Hội Nhà văn cho tập “Hoan ca”. Hiện là Phó Tổng biên tập Báo Thể Thao Văn Hóa. |
Dương Tử Thành thực hiện