Làm thế nào để tìm được tiếng nói chung trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hôn nhân. Bài trắc nghiệm dưới đây từ The Nest sẽ giúp bạn tìm ra cách đối phó với các tình huống khó xử trong cuộc sống và đánh giá lại mức độ thấu hiểu, chia sẻ giữa hai bạn.
1. Tiền bạc có thể gây ra trục trặc lớn cho vợ chồng. Các bạn kiểm soát vấn đề tài chính cùng nhau như thế nào?
a. Chúng tôi góp tiền chung và thường xuyên trò chuyện về các mục tiêu tài chính.
b. Chúng tôi chia ra các khoản "của chồng", "của vợ" và "của chung".
c. Ai giữ tiền người nấy. Tôi không tin bất cứ ai để giao khoản tiết kiệm của mình.
2. Từ lúc kết hôn, gia đình và bạn bè thường có chung câu hỏi dành cho vợ chồng bạn: Khi nào thì có em bé. Phản ứng của bạn:
a. Chúng tôi đã bàn bạc việc này và có kế hoạch rồi, nhưng chưa phải bây giờ.
b. Tôi không thể đợi thêm. Vấn đề là ở anh/cô ấy.
c. Đó là điều tôi đang mong đây - hai đứa trẻ trong nhà.
3. Nếu đánh giá đời sống tình dục của mình, bạn muốn nói:
a. Chưa bao giờ nóng bỏng như bây giờ. Trở thành vợ chồng là một bước ngoặt lớn.
b. Lúc nào cũng luôn như vậy, dễ chịu và ngọt ngào.
c. Tẻ nhạt. Chúng tôi còn bận rộn với công việc và sắm sửa cho ngôi nhà mới, nên quá mệt khi đêm về.
4. Đã đến tối thứ sáu. Bạn không thể đợi để:
a. Gọi vài đồ ăn mang đến, cuộn tròn trên chiếc ghế dài với bạn đời và xem một bộ phim hay.
b. Gặp gỡ các đôi khác để cùng ăn tối.
c. Vào quán bar tụ tập với bạn bè.
5. Nếu bạn được cơ quan yêu cầu thực hiện một dự án đặc biệt, nghĩa là đi công tác nhiều hơn, thời gian làm việc dài hơn. Các bạn đi đến quyết định thế nào?
a. Tôi sẽ thảo luận cơ hội với bạn đời, sau đó cùng đưa ra quyết định.
b. Tôi sẽ hỏi cảm giác của bạn đời để cân nhắc nhưng cuối cùng sẽ tự đưa ra quyết định.
c. Tôi sẽ tự đưa ra quyết định độc lập dựa trên cơ hội nghề nghiệp và tiền bạc của mình.
6. Sáng chủ nhật, không báo trước, mẹ chồng/mẹ vợ lại đến thăm. Khi bà về, bạn nói với chồng/vợ mình điều gì:
a. Anh yêu, em rất vui khi mẹ ở đây với chúng mình nhưng anh có thể góp ý với mẹ lần sau gọi báo trước để vợ chồng mình chủ động hơn không?
b. Em thực sự không thích như thế này. Anh cần nói với mẹ về chuyện này, nếu không em sẽ nói đấy.
c. Bà ấy làm tôi muốn phát điên. Lần sau, khi bà đến, tôi sẽ ra khỏi nhà.
7. Bạn cảm thấy vợ/chồng coi lời khuyên của bạn như:
a. Luôn rất giá trị, ngay cả khi anh/cô ấy không làm theo như thế.
b. Có lúc hữu ích nhưng thường là anh/cô ấy thấy đó là sự can thiệp không mong đợi.
c. Ít khi cần thiết. Anh/cô ấy tự quyết định và không thích có cảm giác bị kiểm soát.
8. Khi cãi nhau to, bạn thường:
a. Nói hết mọi điều cho đến khi cả hai có được sự thống nhất. Chúng tôi không muốn mang giận dữ lên giường.
b. Chấp nhận đi dạo cho đến khi cả hai bình tĩnh lại. Cả hai chúng tôi có thể choảng nhau khi tức giận, vì thế tốt nhất là nói lại chuyện đó vào ngày hôm sau.
c. Chiến tranh lạnh cả tuần. Ai làm hòa trước là người thua.
9. Về đến nhà, bạn thấy bồn rửa đầy bát đĩa bẩn. Bạn:
a. Cố gắng nhớ xem hôm nay đến lượt ai dọn dẹp. Chúng tôi luôn phân chia các công việc gia đình đều nhau.
b. Lấy chiếc giẻ rửa bát và bắt đầu làm sạch bãi chiến trường. Nếu tôi không làm điều này, chẳng ai làm hết.
c. Đi chỗ khác. Tôi không thể cứ dọn dẹp đống bừa bộn anh/cô ấy bày ra.
10. Khi những người bạn của chồng/vợ bạn đi chơi, bạn:
a. Tận hưởng chuyến đi cùng - họ cũng là những người bạn của tôi.
b. Tôi chơi với họ để làm chồng/vợ mình vui thôi.
c. Thà ở nhà xem phim còn hơn đi với đoàn bậu nhậu đó.
Nếu câu trả lời của bạn hầu hết là a: Mối quan hệ của hai bạn rất tốt.
Hai bạn luôn là một đội và cố gắng hết sức để cuộc hôn nhân vững bền. Mặc dù luôn cùng nhìn về một hướng ở hầu hết mọi vấn đề, các bạn cũng đừng quên tự nhắc mình rằng cuộc hôn nhân nào cũng có sóng gió, vì thế, không thể chủ quan đứng trên đỉnh vinh quang. Một số thử thách khó khăn là bằng chứng cho thấy mối quan hệ của các bạn mạnh mẽ, sâu sắc hơn chứ không phải giậm chân một chỗ, vì thế hãy coi chúng là cơ hội để vợ chồng gần nhau hơn.
Các bạn có thể thử điều này: Luôn chia sẻ mọi điều, cố gắng đặt lịch dành 20 phút mỗi tuần để trò chuyện riêng với nhau, chỉ nói về hai người và đừng để bất cứ điều gì ngắt quãng thời gian đó.
Nếu câu trả lời của bạn hầu hết là b: Có vẻ sự xa cách đang hình thành giữa hai người.
Ai cũng biết đời sống hôn nhân là khó khăn, vì thế đôi khi rất dễ đánh mất những điều đã đưa hai người đến với nhau lúc đầu (ngoại hình bắt mắt, cử chỉ ngọt ngào hay niềm đam mê, nhiệt tình). Điều tốt là không bao giờ quá muộn để làm mới cuộc sống hôn nhân. Đầu tiên, hãy làm cho chính mình hạnh phúc mỗi ngày, đồng thời, tạo sự hài hòa giữa các yếu tố anh - tôi - chúng ta như một phần mối quan hệ của các bạn.
Các bạn có thể tham khảo thêm: Các nghiên cứu cho thấy những đôi có ít nhất vài mối quan tâm và sở thích chung có hôn nhân bền vững nhất. Dù là chơi golf hay chỉ là cùng thích uống rượu vang, chọn một hoạt động mỗi tháng một lần cả hai cùng yêu thích để làm cùng nhau. Và cố định lịch này, không thay đổi vì bất cứ lý do gì.
Nếu câu trả lời của bạn hầu hết là c: Cần một cuộc "cách mạng" cho hôn nhân của bạn
Không phải để đưa nhau ra tòa, những điều các bạn cần làm là bắt đầu học cách lắng nghe nhau. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ tự động đồng ý mọi thứ "nửa kia" đưa ra, mà là hai người bắt đầu học cách hiểu quan điểm, cảm giác của người kia.
Các bạn có thể tham khảo điều này: Nếu vợ/chồng chê trách bạn điều gì đó, hãy nhắc lại lời của người nói. Đây là chiến thuật "lợi đôi đường", một là để nửa kia biết bạn đang lắng nghe, hai là nó buộc bạn hiểu điều bạn đời đang nói vì bạn phải tập trung vào từ ngữ. Cởi mở, thiện chí trong giao tiếp là chìa khóa cho mối quan hệ của bạn.
Vương Linh