Bản án sơ thẩm tuyên chiều 21/5 nhận định, ông Hiến (cựu tư lệnh Quân chủng Hải quân, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng) có nhân thân tốt, gương mẫu, có nhiều cống hiến trong công tác chiến đấu. Ông còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, sức khoẻ yếu, thành tích, cống hiến trong bảo vệ biển đảo.
Bốn cựu cán bộ cao cấp ở Quân chủng Hải quân bị tuyên phạm tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai (điều 229 Bộ luật Hình sự) gồm: Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng Kinh tế) 9 năm tù; Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc Quân chủng Hải quân) 8 năm tù; Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng phòng Tài chính) 7 năm tù; Trần Trọng Tuấn (cựu đại tá, phó giám đốc Công ty Hải Thành) 4 năm tù.
Ba người bị tuyên phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 174 Bộ luật Hình sự) gồm: bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc", cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) 20 năm tù (tổng hợp là 30 năm tù), phạt bổ sung 80 triệu đồng; Phạm Văn Diệt (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) 15 năm tù, phạt bổ sung 60 triệu đồng; Vũ Thị Hoan (cựu giám đốc Công ty Yên Khánh) 7 năm tù, phạt bổ sung 20 triệu đồng.
Theo HĐXX, các bị cáo Thiềm, Nga, Thảo, Tuấn phạm tội đồng phạm giản đơn, đều là người thực hành. Ông Thiềm là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc tham mưu sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế, nhưng không tham mưu cho Quân chủng Hải quân trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, xâm phạm quyền quản lý của nhà nước trong quản lý đất đai, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, các bị cáo hiểu biết pháp luật của hạn chế, mục đích gây án do muốn làm kinh tế mang nguồn thu cho Quân chủng. Nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: thành tích xuất sắc trong công tác chiến đấu, sức khoẻ kém.
Bản án thể hiện, hơn 6.700 m2 các khu đất số 2, 7-9, 9-11 đường Tôn Đức Thắng (TP HCM) có nguồn gốc đất quốc phòng, thuộc quản lý của Quân chủng Hải Quân. Đầu năm 2006, ba khu đất này được Quân chủng Hải quân thống nhất chủ trương đưa vào làm kinh tế nhưng đảm bảo đúng quy định pháp luật và có lợi cho Quân chủng.
Quá trình thực hiện, các bị cáo Thiềm, Nga và Thảo đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh Hải Quân và trực tiếp thực hiện các phương án chuyển đổi mục đích sử dụng ba khu đất trên thành đất kinh tế, trái với quy định quản lý đất đai. Ba khu đất đều bị mang góp vốn trái quy định, chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng. Riêng khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng bị ông Hệ và đồng phạm lừa chiếm, mang thế chấp ngân hàng tới nay vẫn còn dư nợ hơn 540 tỷ đồng.
Nhà chức trách cáo buộc, ông Hiến khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân do thiếu kiểm tra, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất quốc phòng nên nhất trí với những đề xuất không đúng quy định trên. Ông không kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị liên quan dẫn đến việc bị đối tác đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng cho bên thứ ba. Hành vi của ông Hiến cùng các bị cáo khiến cho Quân chủng Hải quân mất quyền sử dụng ba khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước 939 tỷ đồng.
Theo bản án, việc giải quyết hậu quả vụ án cần xem xét bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, nhưng vấn đề này không thuộc thẩm quyền HĐXX. Các công ty cần ý kiến để cơ quan có thẩm quyền xem xét. Công ty Hải Thành và các đối tác có thể thoả thuận tự giải quyết vấn đề dân sự.
Số tiền chuyển mục đích sử dụng đất 939 tỷ đồng đã được UBND TP HCM để lại cho Quân chủng Hải quân. Tuy nhiên số tiền này không được nộp về mà được dùng làm vốn góp với liên doanh nên toà tuyên tịch thu, sung ngân sách.
Toà kiến nghị UBND TP HCM thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng cho các tổ chức, cá nhân tại ba khu đất để làm thủ tục cấp lại cho Quân chủng Hải quân. UBND TP HCM cần làm rõ trách nhiệm và xử lý với sai phạm của các cá nhân có liên quan việc Sở Tài chính TP HCM xác nhận Công ty Hải Thành hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng các khu đất trong khi công ty chưa nộp tiền về Kho bạc Nhà nước theo đúng thủ tục "ghi thu, ghi chi".
Trước đó trưa cùng ngày, khi được nói lời sau cùng, ông Hiến thừa nhận vụ án xảy ra tại Quân chủng Hải quân là "rất đau xót" và ông thấy "có phần lỗi" của mình do chưa sát sao trong công việc. Ông không có "động cơ cá nhân" để phạm tội nên mong được xem xét, giảm án tới mức thấp nhất.
"Xin HĐXX xem xét lỗi của tôi khách quan, toàn diện, thấu tình đạt lý để có bản án mang tính răn đe cảnh tỉnh, nhân văn", đô đốc Hiến trình bày.
Bị cáo Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân) trong lời nói sau cùng bày tỏ sự xấu hổ và lấy làm tiếc khi mình là một trong 5 sĩ quan cao cấp có mặt tại toà. Ông xin gửi lời xin lỗi tới "lãnh đạo, chiến sĩ, quân nhân viên, người lao động trong Quân chủng".
Bị cáo Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân) nói đã thành khẩn khai báo. Ông bị bệnh nặng, không biết sống chết ra sao nên xin xem xét hình phạt nhân văn, có tình, hợp lý.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc", cựu thượng tá, cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) thì "xin HĐXX công tâm xem xét". Bị cáo Vũ Thị Hoan, Phạm Văn Diệt xin được hưởng khoan hồng.
Riêng bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu phó giám đốc Công ty Hải Thành) khẳng định sau 37 năm công tác trong quân đội luôn chấp hành tốt điều lệnh, công việc cấp trên giao. "Tôi luôn khai báo thành khẩn, đúng sự thật. Tôi không có tội, mong HĐXX xem xét tránh oan sai cho tôi", ông nói.
Phiên xét xử ông Hiến và 7 người với cáo buộc có sai phạm trong quản lý khiến ba khu đất quân sự trên đường Tôn Đức Thắng rơi vào tay tư nhân làm nhà nước, làm Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý được mở tại Tòa án Quân sự Thủ đô từ hôm 18/5.
Bảo Hà