Anh Minh, trưởng phòng truyền thông doanh nghiệp xuất khẩu ở quận Tân Bình lo giá xăng ngày mai tăng mạnh nên tranh thủ dậy sớm mang hai chiếc xe máy của gia đình đi đổ đầy bình.
Khảo sát của VnExpress sáng nay tại các cây xăng ở quận Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Bình... cũng cho thấy, lượng khách đến đổ xăng khá đông đúc. Một số cây xăng, khách phải xếp hàng đợi 15-20 phút.
Với cây xăng trên đường Lê Văn Thọ (Gò Vấp), chưa đầy 5 phút đã có khoảng 20 khách xếp hàng đợi. Hầu hết đều tranh thủ đổ đầy bình. Theo ước tính của nhân viên cây xăng tại đây, lượng khách đến đổ sáng nay cao gấp đôi so với hôm qua.
Tương tự, tại Hà Nội, lượng người đổ tới các cây xăng cũng đông hơn thường ngày. Chị Hạnh, nhân viên cây xăng trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho biết, một số điểm bán xăng dầu dọc trục đường trên địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông trong buổi sáng tăng 20% so với ngày trước đó.
Lúc 10h, anh Hùng, nhân viên cây xăng trên đường Nguyễn Trãi liên tục hướng dẫn khách đi ôtô cá nhân đỗ vào đúng vị trí . 4 trụ bơm dành cho ôtô cá nhân của cây xăng này hoạt động hết công suất. Xe vào ra nườm nượp, đỗ hàng dài chờ vào đổ nhiên liệu.
Thường cảnh tượng đông đúc này diễn ra vào giờ tan tầm thay vì buổi sáng. Anh ước tính lượng khách tới đổ trong buổi sáng tăng khoảng 15-20% so với vài ngày trước đó.
Ông Tùng, trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp phân phối tại Hà Nội cho biết, lượng hàng bán ra của các cây xăng thuộc doanh nghiệp này tăng khoảng 10%. "Các cây xăng vẫn đủ hàng vài ngày tới, không bị hạn chế số lượng bán cho mỗi khách hàng", ông nói.
Một đơn vị sở hữu 10 cây xăng bán lẻ và 10 chi nhánh đại lý ở TP HCM cũng thông tin, lượng khách tới mua tăng 30% so với mấy ngày trước. Nhân viên cây xăng phải bơm hàng liên tục . Người này dự báo, tối nay và sáng mai, lượng khách tới đổ xăng sẽ còn tăng mạnh.
Tại Bình Dương, ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thắng, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 8 cửa hàng bán lẻ, cho biết hôm nay xăng hết nhanh hơn ngày thường khi sản lượng tăng khoảng 30%.
Tình trạng nhiều người đổ đi mua xăng diễn ra trước lo ngại giá sẽ tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày mai. Theo tính toán của các doanh nghiệp đầu mối, nếu không sử dụng Quỹ và giảm thuế môi trường, xăng và dầu có thể tăng 2.000-3.000 đồng một lít, lên khoảng 30.000 đồng.
"Hôm nay, 10 khách vào đổ xăng có đến 7 người hỏi mai tăng giá phải không, rồi đề nghị đổ đầy bình", chị Hạnh, nhân viên cây xăng trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay.
Một ngày trước kỳ điều chỉnh, một số cây xăng treo biển chỉ bán theo giờ hành chính và đóng cửa sau 18h.
Cây xăng trên đường Phạm Văn Chiêu (TP HCM) dán thông báo chỉ bán hàng trong khung giờ "6-18h". Nhân viên tại đây cho biết thông báo này nhằm ổn định nguồn cung được đều đặn cho khách hàng mỗi ngày.
Nhiều cây xăng khác thuộc hệ thống Mipec cũng đưa ra thông báo tương tự. Do đó, trên các cung đường có cây xăng này, sau 18h đều đóng cửa.
Ngoài hạn chế bán theo khung giờ, một trạm trên đường Kinh Dương Vương đoạn gần bến xe miền Tây (Bình Tân, TP HCM) đã treo biển hết xăng từ sớm. Đây là cây xăng thuộc hệ thống Tây Nam Petro. Theo nhân viên hệ thống này, xăng chưa về kịp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ xăng dầu ở TP HCM cho biết, nguồn cung vẫn còn thiếu hụt. Để cân đối và duy trì nguồn hàng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp phải tính toán điều chỉnh phù hợp.
Với giá bán như hiện nay và giá nhập vào liên tục tăng, vị này tính toán doanh nghiệp đang lỗ 3.000-5.000 đồng mỗi lít. "Dù vậy, doanh nghiệp vẫn cố gắng nhập hàng để đảm bảo nguồn cung xăng đầy đủ cho người tiêu dùng", lãnh đạo một doanh nghiệp nói.
Cùng cảnh ngộ khi nguồn cung thiếu hụt, doanh nghiệp bán lẻ ở Hà Nội cho rằng, việc nhập hàng chưa trở lại trạng thái cân bằng, khi doanh nghiệp đầu mối chỉ cấp sản lượng đã đăng ký theo số bình quân 3 tháng gần nhất, doanh nghiệp phân phối muốn lấy thêm cũng không có. "Muốn nhập nhưng không có hàng, hoặc nhập được ít và chiết khấu về 0, bán ra lít xăng, dầu nào lúc này đều bị lỗ", ông nói.
Hiện, giá xăng dầu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam hôm 8/3 lên tới 150 USD một thùng. Theo Bộ Công Thương, mức này sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu trong nước.
Sau kỳ điều hành ngày mai, giá có thể tăng 5.000-8.000 đồng một lít, kg (tùy loại), tương đương tăng 27-44% so với giá xăng dầu đầu năm 2022. Việc này có thể làm ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước năm 2022.
Cũng trong hôm nay, Bộ Tài chính vừa cho biết sẽ trình Chính phủ phương án giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng và 1.000 đồng với dầu nhưng từ 1/4. Nhờ vậy, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.
Thi Hà - Hoài Thu