![]() |
Kiểm tra tổ trứng rùa mới đẻ. |
Họ tiến lại gần con rùa mẹ để... đỡ đẻ. Đó là công việc thầm lặng của những nhân viên kiểm lâm và sinh viên tình nguyện đến từ trường ĐH Nông Lâm TP HCM tại hòn Bảy Cạnh (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lúc nửa đêm...
Đêm không ngủ
"Tối nay có vẻ mệt đây, quá trời rùa lên bờ đẻ kìa. Anh em chuẩn bị tinh thần nhé!" - anh Trần Quang Thêm, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh vừa chỉ tay về phía một con rùa mẹ đang nằm bất động vừa nói. Tất cả mọi người ngồi sụp xuống, anh Thêm đào cát quanh miệng hố rộng thêm ra để tất cả cùng quan sát. Đặt tai kề hố rùa đẻ, chúng tôi nghe rõ tiếng trứng rùa nhỏ bằng quả bóng bàn rơi xuống va vào cát. "Cả thảy 114 trứng, con này mắn đẻ thật" - vừa nói xong, Công Hiệp hào hứng đem số trứng lên khu ấp tại trạm để chôn xuống cát. "Tụi mình phải đi canh rùa đẻ để đem trứng lên ấp tại khu vực an toàn, không thì nước biển dâng cao sẽ cuốn trôi đi hết.
Mùa này mỗi đêm có hàng chục con rùa lên đẻ, có khi có đến 30 con. Sau khoảng gần 2 tháng thì trứng rùa nở ra, rùa con lại bơi đi tìm nguồn thức ăn, rồi đến khoảng 35 năm sau chúng lại vượt 10.000 km để quay về nơi chôn nhau cắt rốn của mình đẻ trứng. Đó là đặc điểm hết sức kỳ lạ của loài rùa biển" - anh Nguyễn Đức Mỹ, một nhân viên kiểm lâm có thâm niên gần 30 năm làm việc tại Côn Đảo cho biết. Nói đoạn, anh Mỹ lấy thước dây từ trong túi đồ nghề ra đo chiều dài của mai rùa rồi dùng kềm bấm chiếc thẻ kim loại có khắc số hiệu vào vây trước của rùa mẹ để theo dõi...
Tập làm "Robinson" trên đảo
Cứ đến thời điểm rùa đẻ, các sinh viên tình nguyện trường ĐH Nông Lâm TP HCM lại lên xe ra Vũng Tàu rồi vượt gần 200 km đường biển đến với Côn Đảo. Một số ở lại đảo chính làm công tác tình nguyện, một số khác thì chia nhau về các hòn đảo nhỏ xung quanh để giúp sức cùng các "ông mụ" đỡ đẻ cho rùa biển. Ngày đầu tiên đặt chân xuống hòn Bảy Cạnh, Hiệp và Thắng chưa kịp lấy lại sức sau chặng đường dài sóng to gió lớn thì đã phải "làm nóng" bằng một đêm thức trắng đi canh rùa cùng các nhân viên kiểm lâm, rồi ngay sáng hôm sau lại phải đội mưa băng qua 6 km rừng heo hút để leo lên trạm hải đăng Bảy Cạnh thăm các nhân viên làm việc tại đó.
1 giờ sáng ngày tiếp theo, Hiệp và Thắng lại thức giấc căng mắt đi canh rùa đẻ. Làm việc đến lúc tờ mờ sáng chưa kịp nghỉ tay thì một tổ ấp trứng đã nở ra rùa con, thế là cả hai cùng các anh kiểm lâm đem chúng thả về biển. "Nếu không thả rùa con xuống biển ngay thì chất dinh dưỡng trong cơ thể chúng sẽ cạn và gặp nguy hiểm, nên tụi mình phải luôn canh chừng, trứng rùa vừa nở là đem trả về biển cho chúng tìm thức ăn" - Hiệp giải thích.
Và chuyện ở "cô độc tự"
Các nhân viên kiểm lâm tại Côn Đảo luôn phải làm việc rất vất vả. "Chúng tôi hằng ngày phải chia nhau ra để vừa đi canh rừng, vừa canh biển rồi bảo tồn rùa cũng như những sinh vật biển quý hiếm..." - anh Trần Văn Thọ, nhân viên kiểm lâm tâm sự. Tất cả đang say sưa vừa ăn, vừa trò chuyện thì chiếc bộ đàm bên trong văng vẳng tiếng cấp báo có tàu đánh bắt cá xâm phạm trái phép vùng cấm, thế là anh Mỹ cùng anh Thọ phải gác đũa, khoác vội bộ đồng phục, vác lên vai khẩu súng và không quên dắt theo con chó cưng rồi chạy nhanh ra khu vực có thuyền lạ để xử lý.
Được mọi người gọi là "chúa đảo" các anh không ai chịu nhận, nói vui mình chỉ là đệ tử của "cô độc tự" (chùa cô độc) mà thôi. Mỗi tháng, các anh mới được thuyền từ đất liền cập bờ tiếp tế thức ăn, song lắm khi vào mùa giông bão, phải ăn cơm với mắm nhiều ngày liền.
(Theo Thanh Niên)