Theo thestandard, nhóm nhà khoa học thuộc tổ chức Greenpeace đã lấy mẫu các đồ chơi được mua từ Hong Kong, Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh xét nghiệm và phát hiện, 21 trong số 30 mẫu đồ chơi có chứa chất phụ gia phthalates. Tất cả các đồ chơi này đều được sản xuất tại Trung Quốc đại lục.
Các loại đồ chơi có mùi nhựa nồng, nhẹ và có bề mặt dạng sáp được khuyến cáo không nên dùng vì dễ chứa độc tố phthalates. Ảnh: Thi Trân. |
Phụ gia phthalates được bổ sung vào nhựa để làm mềm hơn và tăng khả năng chịu nhiệt. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chỉ ra việc tiếp xúc với hóa chất này có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây ra những vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tác dụng này thể hiện rõ rệt nhất ở bé trai.
Vì thế từ lâu chất này bị cấm ở châu Âu và Mỹ. Theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu, đồ chơi sẽ bị coi là không an toàn nếu phthalates chiếm trên 0,1% trọng lượng sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay ở Hong Kong không có quy định như vậy.
Trong số những đồ chơi được kiểm tra, có loại bóng đá mini chứa phụ gia này lên đến 30,16% trọng lượng của sản phẩm. Một số đồ chơi khác có lượng chất này khá cao là phao bơi và bóng bay.
Trước tình hình này, các thành viên của tổ chức Greenpeace đã phát đi lời kêu gọi, chính phủ các nước cần có một bộ luật quy định dành riêng cho việc sử dụng hóa chất trong sản xuất. Họ cho rằng, hiện nay những thử nghiệm an toàn của chính phủ các nước đối với đồ chơi trẻ em chỉ dừng lại ở những tiêu chí căn bản như làm sao để đảm trẻ không bị thương trong khi chơi.
Tuy nhiên, điều mà người lớn chưa để ý đến là trẻ em thường thích đặt mọi thứ vào miệng. "Mà ở lứa tuổi này, hệ sinh dục, hệ miễn dịch và nội tiết của các em đang trong thời kỳ phát triển. Vì thế các trẻ em là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trước tác hại của hóa chất làm rối loạn hoóc môn như phthalates", Vivian Yau Tza, thành viên của Greenpeace nói.
Dấu hiệu để nhận ra phthalate trong đồ chơi là sản phẩm có mùi nhựa rất nồng và bề mặt dạng sáp. Tuy nhiên nhiều phụ huynh cũng lo lắng rằng rất khó để họ nhận biết một món đồ chơi có chứa các chất nguy hiểm hay không. Trong khi một số khác lại tỏ ra băn khoăn chuyện giá cả sẽ bị đẩy lên cao đối với các sản phẩm có gắn tem đảm bảo chất lượng.
"Giá đồ chơi sẽ tăng lên vì phải trả cho khoản cấp giấy chứng nhận. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu giá cả loại mặt hàng này quá đắt. Trong khi tôi không thể không mua những thứ này cho con trai tôi chơi", chị Ho, 45 tuổi, vừa mua đồ chơi cho con vừa lo lắng nói.
Vụ phát hiện phthalate này là một "scandal" mới nhất trong một chuỗi các vụ bê bối về sản phẩm công nghiệp. Trước đó, năm 2007 có một loại đồ chơi gọi là Aqua Dost tại Hoa Kỳ và Bindeez (Úc) đã bị phát hiện có chứa hóa chất gây ngộ độc nặng.
'Thi Trân