Kết quả X-quang, siêu âm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cho thấy bé bị tắc ruột, không phát hiện dị vật. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật và phát hiện đoạn ruột phía trên chỗ tắc bị phình rất to, đoạn phía dưới thì xẹp. Dị vật dạng như chất dẻo, hình tròn, đường kính 2,5 cm, làm bít đường ruột bé.
"Hạt nở không cản quang nên khó nhìn thấy trên X-quang, siêu âm", bác sĩ Phan Ngọc Duy Cần, Trưởng Khoa Khám và Điều trị trong ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết.
Bệnh viện thỉnh thoảng tiếp nhận những trẻ bị tắc ruột, ngộ độc sau khi nuốt hạt nở trong đồ chơi. Các hạt này có màu sắc sặc sỡ, trẻ thường thích chơi.
Một số học sinh ở Tây Ninh, Thanh Hóa cũng từng nhập viện do bất ngờ bị cứng tay không co duỗi được, ngứa ngáy, đau bụng và nôn ói. Nguyên nhân sau đó xác định là do trẻ đã chơi và ngửi mùi của những hạt nhựa nở.

Kích thước hạt nở tăng 100-200 lần khi ngâm nước.
Theo bác sĩ Cần, hạt nở, còn gọi hạt trương nở, là một loại đồ chơi trẻ em với hình dạng những hạt nhựa nhỏ li ti, đường kính khoảng 5 mm, màu sắc hình dáng phong phú. Kích thước hạt nở tăng 100-200 lần khi ngâm nước. Công thức hóa học của hạt là polymer có chứa tinh bột.
Hạt nở thường được sử dụng làm đồ chơi, ngâm vào nước đợi nở ra. Chúng cũng có thể sử dụng thay thế đất trồng thông thường, cung cấp nước và chất dinh dưỡng nuôi cây.

Hạt nở có thể sử dụng thay thế đất trồng thông thường, cung cấp nước và chất dinh dưỡng nuôi cây.
Hạt trương nở từng bị thu hồi ở quy mô đa quốc gia, sau khi cơ quan chức năng phát hiện nhà máy Wangqi Product ở Thâm Quyến, Trung Quốc, dùng một hóa chất rẻ tiền có độc tính thay cho chất được quy định.
"Nếu làm đúng công thức hóa học theo quy định, hạt nở là một đồ chơi an toàn khi tiếp xúc", bác sĩ Cần phân tích.
Bác sĩ Cần khuyến cáo phụ huynh cần lưu tâm đến đồ chơi của trẻ, chọn lựa những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi. Khi trẻ nuốt hạt nở, phải cho nhập viện để bác sĩ có kế hoạch theo dõi, xử trí kịp thời.