Nhạc sĩ Đỗ Bảo. |
- Anh đã đến với “Nhật thực” như thế nào?
- Trước đây tôi đã có dịp làm việc với nhạc sĩ Ngọc Đại một thời gian. Khi đó tôi mới 16 tuổi và chỉ là một nhạc công organ đi theo ông bầu Ngọc Đại từ Bắc chí Nam. Tôi dần khẳng định mình qua những bản phối ca khúc cho một số ca sĩ bạn bè như Tam ca 3A, Trần Thu Hà. Nhạc sĩ Ngọc Đại đề nghị tôi cộng tác khi ông đang ở trong tâm trạng tận cùng mệt mỏi và chán nản sau khi đã mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để tìm người hoà âm phối khí. Nhạc sĩ chọn tôi chỉ như một sự lựa chọn bắt buộc chứ vẫn chưa thực sự tin tưởng.
- Vậy tại sao anh lại nhận lời?
- Tôi trân trọng tài năng của nhạc sĩ Ngọc Đại và khâm phục tư duy âm nhạc hiện đại của ông. Dù có thành công với Nhật thực hay không thì ít nhất đây cũng là một cơ hội để tôi thử sức và khẳng định mình.
- Trong quá trình làm việc với “Nhật thực”, anh đã gặp trở ngại nào?
- Thời gian đầu rất mệt mỏi, thậm chí các nhạc công cũng không nhiệt tình lắm vì nhạc Ngọc Đại không đơn giản. Muốn thể hiện nó, tất cả mọi người đều phải tập trung làm việc thật sự. Ban đầu, nhạc sĩ Ngọc Đại giao bài cho một số ca sĩ mới thể hiện. Trong khi phần nhạc đang được làm ở phòng thu, Trần Thu Hà đến chơi, nghe thử, thấy thích và có ý định hát một số bài. Tôi đã giới thiệu Hà với nhạc sĩ Ngọc Đại để Hà thu thử. Khi nghe phần thu của Hà, chúng tôi hiểu rằng đó là giọng ca Nhật thực cần.
- Điều gì khiến anh tâm đắc nhất ở “Nhật thực”?
- Trong âm nhạc của Ngọc Đại, tôi đã thấy được cái mà tôi đang đi tìm và muốn thể hiện. Các ca khúc của ông không bị lệ thuộc vào những kỹ năng phát triển giai điệu thông thường. Tôi cho rằng tôi đã hiểu được nhạc Ngọc Đại và tìm được đúng cách thể hiện hiệu quả. Nhưng tôi không muốn mình chỉ dừng lại ở Nhật thực. Tôi còn trẻ và có nhiều tham vọng. Tôi muốn mình còn phải làm được nhiều hơn, hay hơn và tốt hơn những gì mình đã làm được.
- Nếu câu hỏi này được đặt ra trước khi “Nhật thực” công diễn thành công, anh có thể tự tin như vậy không?
- Có! Vì tôi hiểu rõ công việc và tin tưởng vào khả năng của mình. Nhật thực không phải là một hiện tượng so với thế giới nhưng ở Việt Nam, đây thực sự là phong cách âm nhạc mới lạ. Tôi tự tin vì mình đã dũng cảm làm một việc mà trước đó không ai làm. Làm được đến đâu thì tôi không dám bàn nhưng ít nhất, tôi cảm thấy vui và hài lòng vì đã lao động nghệ thuật thật sự, không khoa trương, không loè bịp người nghe. Nhật thực là tâm huyết của tôi và có thể coi đây là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của tôi.
- Với những khán giả bình thường, anh sẽ giải thích như thế nào để họ hiểu được công việc hoà âm phối khí?
- Bạn hãy hình dung bạn đang cầm một đồ vật trong tay, có thể lúc này trông nó rất bình thường, nhưng nếu bạn đặt đồ vật đó ở một nơi thích hợp, bạn lại thấy nó rất đẹp. Tương tự như vậy, công việc của người hoà âm phối khí chính là tìm tòi và tạo ra một không gian âm nhạc phù hợp cho một ca khúc để làm nổi bật được cái hay, cái độc đáo của ca khúc đó.
- Nhạc sĩ nào làm anh quan tâm nhất trong lĩnh vực hoà âm phối khí của nhạc nhẹ Việt Nam?
- Tôi thích phong cách của nhạc sĩ Quốc Trung. Âm nhạc của anh ấy luôn xuất phát từ bản sắc riêng của người châu Á, người Việt Nam. Nó rất phương Đông. Theo tôi, những gì học được từ bên ngoài cũng rất tốt nhưng chỉ để làm phong phú và mở rộng hơn cho vốn âm nhạc của mình. Muốn được người khác công nhận và nhớ tới mình thì phải có cái riêng.
- Ngoài hoà âm, anh còn sáng tác ca khúc?
- Hoà âm phối khí là công việc tôi rất yêu thích và say mê nhưng tôi muốn phát triển cả trong lĩnh vực sáng tác. Sáng tác không chỉ đòi hỏi kỹ năng, kiến thức âm nhạc mà còn phải tổng hợp cả kiến thức văn hoá để có đủ khả năng thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình về con người, về cuộc sống... bằng âm nhạc. Khi sáng tác, tôi sẽ nói được nhiều hơn và chia sẻ được nhiều hơn với người nghe. Đó là điều rất đáng quý.
- Khán giả đã biết đến một số ca khúc của anh như “Tháng ngày ta mong chờ”, “Cánh buồm đỏ thắm”, “Bài hát cho em”... Anh chọn người thể hiện những sáng tác của mình như thế nào?
- Tôi có may mắn là đã xây dựng được một đội ngũ ban nhạc tâm đắc, đó là các thành viên trong ban nhạc Sao Mai, đã làm việc cùng tôi trong show Nhật thực. Họ rất tuyệt vời. Tôi muốn xây dựng Sao Mai thành một ban nhạc chuyên nghiệp.
- Khái niệm “chuyên nghiệp” ở đây có được hiểu theo nghĩa ban nhạc đủ khả năng tự nuôi sống mình bằng âm nhạc hay không?
- Chắc chắn sẽ phải như thế. Cho dù trong thời gian đầu, mỗi thành viên vẫn phải làm thêm để có kinh phí đầu tư cho nhạc cụ và làm phòng thu.
(Theo Giai Điệu)