Chương trình có tên "Chia sẻ là ban phước", cung cấp đồ ăn thừa từ các đám cưới đến những người nghèo nhất trong cộng đồng ở thủ đô Indonesia. Dù đang phải đấu tranh với nghèo đói và suy dinh dưỡng, quốc gia Đông Nam Á này đang có số lượng tiêu thụ thức ăn trên đầu người cao chỉ sau Arab Saudi và trước cả Mỹ, theo khảo sát năm ngoái của doanh nghiệp EIU.
Mỗi năm, 260 triệu công dân Indonesia vứt đi trung bình gần 300 kg thực phẩm, theo AFP. Đồ ăn thừa mứa một phần do lòng hiếu khách của truyền thống địa phương. Khi tiếp khách, chủ nhà thường chuẩn bị rất nhiều đồ ăn, hơn cả lượng thực phẩm quan khách có thể tiêu thụ, để tỏ lòng hiếu khách.
Theo Hiệp hội Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, mỗi năm khoảng 30% sản lượng lương thực thực phẩm trên thế giới bị lãng phí hoặc hư hỏng, tương đương 1,3 tỷ tấn, trị giá một nghìn tỷ đôla Mỹ. Đó là lý do chương trình "Chia sẻ là ban phước" hình thành.
"Có rất nhiều đám cưới thừa mứa đồ ăn ở Indonesia", người sáng lập chương trình Astrid Paramita nói. "Và cũng có rất nhiều người đói khổ kém may mắn, vì vậy, chương trình này đang cố thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo".
Chương trình đến nay vẫn hạn chế trong phạm vi Jakarta, nhưng Parmita có kế hoạch lớn và hy vọng mở rộng nó tới những thành phố khác khi bắt đầu tìm nguồn cung cấp từ các cuộc hội họp của doanh nghiệp.
Bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, khoảng 50 đám cưới đã tham gia chương trình, đóng góp 1,6 tấn thực phẩm thông qua một ngân hàng thực phẩm địa phương. Đối với Efendi, 60 tuổi, làm nghề nhặt rác, nhận được thức ăn từ một đám cưới xa hoa là món quà bất ngờ.
"Tôi chưa từng nghĩ đến điều này và bất ngờ, tôi được nhận thức ăn miễn phí", ông nói.