![]() |
Lao động chuẩn bị đi xuất khẩu. Ảnh: Vneconomy |
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ ra ngoài cư trú bất hợp pháp luôn cao hơn nhiều so với các nước xuất khẩu lao động trong khu vực. Tỷ lệ này ở Nhật Bản là 30-40%, Hàn Quốc 25-30%, Đài Loan trên 9%. Năm 2003, trong khi tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Nhật Bản lên tới 34,1% thì Trung Quốc chỉ 1,02%, Indonesia 5,58%, Philippines 1,06%, Thái Lan 1,13%.
Ông Đặng Mạnh Sức, Giám đốc Trung tâm Phát triển việc làm và xuất khẩu lao động (Tổng công ty Xuất nhập khẩu cung ứng vật tư thiết bị đường sắt - Virasimex), nói như mếu: "Nếu không có nghị định thì chúng tôi chỉ ngồi chơi xơi nước. Mà thực tế từ tháng 4 đến giờ, khi số đơn hàng xuất khẩu lao động sang Đài Loan đã hết thì chúng tôi cũng hết việc".
Từ trước đến nay, Virasimex chủ yếu đưa lao động sang Đài Loan và Malaysia. Bình quân mỗi tháng, đơn vị xuất khẩu sang Đài Loan 100-150 lao động giúp việc gia đình và khán hộ công, nhưng nay thì chỉ đi được 1/10 số ấy, chủ yếu là lao động công xưởng vốn vẫn được Đài Loan tiếp nhận. Mất thị trường Đài Loan, Virasimex chuyển hướng ký hợp đồng với các doanh nghiệp Malaysia và Dubai, nhưng lại không tuyển được lao động, lý do thu nhập tại những nơi này quá thấp.
Tương tự Virasimex, Trung tâm xuất khẩu lao động thuộc Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Sài Gòn (Incomex) đang mong chờ nghị định xử lý lao động trốn. "Nếu không có chế tài xử lý vấn nạn này thì Việt Nam sẽ mất hết thị trường, thương hiệu lao động Việt Nam sẽ bị tổn thất nặng nề. Về phía doanh nghiệp sẽ dần phá sản do không thu được phí dịch vụ, trong khi phải bỏ tiền tìm kiếm và đưa lao động về nước", ông Đức, Giám đốc Trung tâm nói.
Theo ông Đức, Incomex đã tìm được nhiều đối tác ở Hàn Quốc, nhưng bạn ra điều kiện nếu một lao động trốn, doanh nghiệp bị phạt 50.000 USD hoặc trả lại toàn bộ lao động đã đưa sang. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những lao động khác, vì thế doanh nghiệp không dám mạo hiểm ký hợp đồng. Thị trường Anh vốn rất tiềm năng do thu nhập cao (ít nhất là 1.000 USD), Incomex đã đàm phán với bạn, kết quả rất khả quan. "Nhưng công lao thương thuyết bấy lâu đã tan thành mây khói khi Anh tuyên bố không tiếp nhận lao động Việt Nam từ 1/7 vì tỷ lệ bỏ trốn cao", ông Đức nói. Hiện Incomex chỉ trông vào thị trường Malaysia, xúc tiến đưa lao động sang Dubai.
Việc bỏ trốn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do từ chính doanh nghiệp như: tuyển chọn lao động ồ ạt, giáo dục định hướng qua loa, quản lý lao động tại nước ngoài lỏng lẻo. Nhưng nguyên nhân quan trọng theo doanh nghiệp và chuyên gia Cục Quản lý lao động ngoài nước, là lao động Việt Nam chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế trước mắt của bản thân mà quên đi lợi ích của cộng đồng, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành hợp đồng lao động. Chính Incomex đã hứng "quả đắng" khi đợt đầu đưa 40 lao động sang Đài Loan thì tới 30% người trốn, phía Đài Loan dừng hợp tác đến nay đã 2 năm.
Lao động thiếu ý thức, trong khi chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm chưa đủ mạnh để giáo dục, răn đe. Ông Đức đưa ra ví dụ, để đưa nhân công sang Đài Loan cần có người bảo lãnh. Nếu lao động trốn, doanh nghiệp sẽ phạt người bão lãnh 1.000-2.000 USD. Nhưng để đòi được tiền phạt thì phải kiện ra tòa, thủ tục giải quyết khá lâu. "Nếu doanh nghiệp thắng kiện thì còn đợi thi hành án, nói chung chờ được vạ thì má đã sưng, phía đối tác cũng ngưng ký kết hợp đồng", ông Đức giải thích lý do doanh nghiệp ngại kiện ra tòa.
Từ đầu năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tham mưu cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng nghị định quy định trách nhiệm của người lao động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi vắn tắt là nghị định xử lý lao động bỏ trốn). Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước Vũ Đình Toàn cho biết, qua rất nhiều lần bàn bạc, dự thảo đã được Chính phủ xem xét và đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Ông Toàn giải thích, sở dĩ dự thảo phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội là vì có một số điểm mới chưa được quy định trong Luật, Pháp lệnh hiện hành. Ví dụ về hình thức xử phạt, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định 2 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, Chính phủ đề nghị bổ sung mức xử phạt buộc về nước. Hình thức này áp dụng đối với người lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm ăn, cư trú bất hợp pháp hoặc hết hạn hợp đồng không về nước.
Về thẩm quyền xử lý, ban soạn thảo đề nghị bổ sung thẩm quyền cho Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước được xử phạt vi phạm hành chính (cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000.000 đồng) và xử phạt bổ sung; bổ sung thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài có quyền xử phạt buộc về nước đối với lao động bỏ trốn.
Lao động bỏ trốn nên không thể lập biên bản vi phạm hành chính. Vì thế, ban soạn thảo đề nghị cho phép lập biên bản vi phạm hành chính vắng mặt trên cơ sở văn bản thông báo chính thức của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước sở tại hoặc thông báo của người sử dụng lao động. Quyết định xử phạt sẽ được gửi cho người bảo lãnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi người lao động cư trú trước khi đi, Cục Quản lý lao động ngoài nước và niêm yết tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại.
Ông Toàn hy vọng sau khi nghị định ra đời, tình trạng lao động xuất khẩu bỏ trốn sẽ giảm, góp phần giữ vững thị trường hiện có và phát triển thị trường mới. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, nghị định là quan trọng, song quan trọng hơn là sự phối hợp của các cơ quan trong việc triển khai, chứ một mình Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không thể làm nổi.
Như Trang