![]() |
Người dân đang chờ công chứng viên xác nhận giấy tờ nhà. Ảnh: Vũ Lê. |
Ông Nguyễn Thành Tài lấy trường hợp một doanh nghiệp sản xuất tại TP HCM bị quận sở tại từ chối cho chuyển sang địa điểm mới trên địa bàn, để minh họa cho nhận định trên. Theo ông Tài, do trong giấy phép kinh doanh của đơn vị này có đăng ký đầu việc "gia công cơ khí", nên lãnh đạo quận không đồng ý cho doanh nghiệp đặt trụ sở trên địa bàn vì sợ ô nhiễm tiếng ồn và môi trường.
"Nếu cán bộ của quận đó tìm hiểu kỹ sẽ biết cái gọi là "gia công cơ khí' của doanh nghiệp này chỉ là công đoạn cắt inox rồi lắp ghép. Xét theo Luật thì quận không sai, nhưng một cái lắc đầu vô cảm của chúng ta có thể khiến một doanh nghiệp điêu đứng rồi phá sản", ông Tài nói.
Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố cũng cho rằng việc rà soát để chuẩn hóa, mẫu hóa các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp tại một số sở ngành, quận huyện, phường xã, thị trấn còn chậm. Không ít tổ chức, doanh nghiệp vẫn phàn nàn vì tổng thời gian chuẩn bị, bổ sung hồ sơ đến khi nhận được kết quả thường vượt quá quy định.
Một số quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến các bản vẽ khi yêu cầu cấp các loại giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất; thẩm định và duyệt thiết kế cơ sở, quy hoạch chi tiết; thỏa thuận quy hoạch kiến trúc; nộp thuế và quyết toán...còn rườm rà, chưa thống nhất.
"Một bộ phận cán bộ công chức có hiện tượng quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, chưa thấy hết được những nhu cầu, bức xúc chính đáng của người dân", ông Tài nhận định.
Tại hội nghị, Sở nội vụ TP HCM cũng chính thức kiến nghị UBND thành phố chấm dứt cơ chế "một dấu". Cơ chế trên được thực hiện từ năm 1997. Tất cả văn bản, giấy tờ về xử lý hành chính, dịch vụ hành chính công tại thành phố đều dùng danh nghĩa và đóng dấu UBND quận, huyện; các phòng ban chuyên môn khác đều bị thu hồi dấu và được sử dụng dấu Ủy ban để giải quyết, ban hành những văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách....
Tuy nhiên, theo phản ánh lãnh đạo UBND các quận - huyện, cơ chế này đã bộc lộ hàng loạt các bất cập sau 10 năm triển khai như hạn chế chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng các cơ quan chuyên môn; không phân định rõ trách nhiệm giữa thủ trưởng cơ quan chuyên môn và người ủy quyền là lãnh đạo UBND quận, huyện...
"Chủ tịch UBND quận huyện, chịu trách nhiệm đối với văn bản do lãnh đạo phòng ban chuyên môn ký tên, đóng dấu ủy ban theo ủy quyền, nếu cán bộ kém năng lực, mất phẩm chất sẽ dẫn đến lạm quyền, gây hậu quả", Giám đốc Sở nội vụ Châu Minh Tỷ phân tích.
Ông Tỷ cũng cho biết sau khi chấm dứt cơ chế "một dấu", UBND cấp quận, huyện sẽ phục hồi lại con dấu cho phòng, ban chuyên môn.
Lan Hương