Dữ liệu được DKRA thu thập từ tháng 1 đến hết tháng 7 cho thấy thị trường bất động sản Đà Nẵng khan hiếm nguồn cung mới ở hầu hết phân khúc, đặc biệt là phân khúc căn hộ. Mảng bất động sản nghỉ dưỡng, vốn là thế mạnh của địa phương này cũng bị ảnh hưởng trầm trọng vì dịch bệnh.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA nhận định "giấc ngủ đông" của thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn kéo dài.
"Đà Nẵng là tâm điểm bùng dịch lớn nhất nước và áp dụng giãn cách xã hội khiến các hoạt động du lịch cũng như nhiều hoạt động kinh tế khác của Đà Nẵng đứng im. Điều này khiến bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng, vốn là thế mạnh của tỉnh càng trở nên mờ mịt hơn", ông Nguyễn Hoàng nói.
Tại phân khúc đất nền, thị trường chỉ ghi nhận 1 dự án mở bán, là giai đoạn tiếp theo của chính dự án đã mở bán trước đó, với khoảng 131 nền. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 90 nền.
Nguồn cung tập trung ở khu vực quận Liên Chiểu (61%) và Ngũ Hành Sơn (39%). Hiện giá bán đất nền của hai khu vực này tương ứng 22-28 triệu đồng một m2 à 21-30 triệu đồng một m2. Quận Hải Châu có giá bán đất nền cao nhất, đạt 70-82 triệu đồng một m2.
DKRA đánh giá sức tiêu thụ của toàn thị trường ở mức thấp khi chỉ có 582 giao dịch thành công. Xu hướng giảm đã kéo dài từ giữa năm 2019 đến nay. Giao dịch thứ cấp cũng kém sôi động, thị trường có dấu hiệu giảm giá ở một số dự án.
Với phân khúc căn hộ, nguồn cung tập trung ở quận Sơn Trà và Hải Châu. Đây cũng là 2 quận có mức giá cao, lần lượt là 28-137 triệu đồng trên m2 và 24-95 triệu đồng trên m2. Hiện thị trường đón nhận 3 dự án mở bán, cung cấp 156 căn, bằng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sức tiêu thụ của các dự án mới khá chậm, tỷ lệ tiêu thụ bằng 38% so với cùng kỳ 2019. Mặt bằng giá bán không có nhiều biến động so với năm 2019, trong khi đó giá thuê căn hộ giảm trung bình từ 1-2 triệu đồng một căn.
Với phân khúc nhà phố biệt thự, hiện Đà Nẵng không có dự án mới được mở bán. Nguồn cung sơ cấp chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó. Mức tiêu thụ chung của toàn thị trường ở mức thấp khi chỉ có 52 dự án được ghi nhận giao dịch trong 7 tháng. Xu hướng giảm kéo dài từ giữa năm 2019 đến nay.
Giao dịch thứ cấp kém sôi động, thị trường có dấu hiệu giảm giá ở một số dự án cả sơ cấp, thứ cấp. Để kích cầu, các chủ đầu tư đã điều chỉnh giá bán hoặc đưa ra các gói hỗ trợ hấp dẫn.
Phân khúc shophouse gặp nhiều bất lợi trước tình hình sụt giảm lượng khách du lịch cũng như nhu cầu thuê mặt bằng chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng cũng ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua khi chỉ bán được 233 căn. Sự cố Cocobay cùng với dịch Covid-19 đã khiến thị trường gần như "đóng băng". Hiện chỉ có 2 dự án triển khai kinh doanh. Các chương trình cam kết lợi nhuận ngày càng giảm cả về tỷ lệ và thời gian cam kết.
Phân khúc biệt thự biển cũng trong tình trạng tương tự. Nguồn cung khan hiếm khi không có nguồn cung mở bán. Sức tiêu thụ ở mức rất thấp, gần như không có giao dịch thời gian qua.
Các dự án đa phần tập trung dọc theo trục đường biển Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, nguồn cung biệt thự biển có xu hướng tăng mạnh ở Quảng Nam trên trục đường biển Trường Sa - Lạc Long Quân. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động.
DKRA Vietnam nhận định, nếu cuối tháng 8, dịch bệnh được kiểm soát tốt, trong quý III cũng không ghi nhận hoạt động thị trường nào tích cực. Kỳ vọng được đặt vào quý IV khi các hoạt động xã hội, kinh tế bình thường trở lại, đặc biệt với lĩnh vực du lịch.
"Nhờ vậy, thị trường bất động sản có thể diễn biến khả quan hơn dù còn cần một độ trễ nhất định. Tôi hy vọng trong cuối năm nay và sang năm 2021, tình hình thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ có nhiều khởi sắc", đại diện DKRA nói.
Phương Ánh