Chiến thắng của Djokovic ở Wimbledon tạo nên sự kiện lịch sử của quần vợt khi lần đầu tiên có ba người cùng chia sẻ kỷ lục số lượng Grand Slam. Trong hai năm liên tiếp, Nadal và Djokovic lần lượt san bằng kỷ lục 20 Grand Slam của Roger Federer – người thiết lập kỷ lục này ở Australia Mở rộng 2018 khi 36 tuổi.
Khoảnh khắc hiện tại thuộc về Djokovic, người đã đoạt cả ba Grand Slam năm nay. Tay vợt Serbia san bằng kỷ lục của hai đàn anh và đang trên đà vượt lên. Có rất ít khả năng Federer đoạt thêm Grand Slam cho tới khi treo vợt. Nadal thì luôn là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu Roland Garros và cũng sẽ tham dự Mỹ Mở rộng. Nhưng một thập kỷ qua, "Rafa" không thắng ở Australia Mở rộng và Wimbledon.
Nếu Djokovic đoạt tiếp Mỹ Mở rộng, anh không những làm được điều mà cả Federer và Nadal đều chưa làm được là đoạt bốn Grand Slam cùng năm, mà còn tái lập kỳ tích của Rod Laver từ 1969. "Tôi không nghi ngờ trong vài năm tới, Djokovic sẽ trở thành tay vợt nam giàu thành tích nhất Grand Slam. Vì thế, cậu ấy sẽ là tay vợt nam hay nhất mọi thời đại", Tim Henman – chủ nhân 11 danh hiệu ATP bình luận trên BBC sau trận chung kết Wimbledon hôm 11/7.
Djokovic thay thế dần vị trí của Federer và Nadal trong việc kéo dài "tuổi thọ" của nhóm "Big 3". Ba tay vợt vĩ đại đã thống trị làng banh nỉ gần hai thập kỷ, kể từ lần đầu Federer đoạt Grand Slam năm 2003. "Cách đây 10 năm, 20 Grand Slam là con số được xem như viễn tưởng", Brad Gilbert, cựu tay vợt Mỹ từng huấn luyện Roddick, Murray và Nishikori, bình luận trên ESPN. "Khi Federer cân bằng kỷ lục 14 Grand Slam của Pete Sampras năm 2009, tôi đã đùa rằng sẽ có ngày cậu ấy đoạt 20 danh hiệu. Nhưng tôi rất hoài nghi điều đó. Vậy mà bây giờ chúng ta có ba người làm được".
Những người đứng sau "Big 3" có bản thành tích khiêm tốn hơn nhiều. Andy Murray và Stan Wawrinka chỉ có ba Grand Slam. Trong nhóm tay vợt dưới 30 tuổi, chỉ Dominic Thiem sở hữu một danh hiệu. Kỷ lục của "Big 3", vì thế, sẽ còn tồn tại ít nhất qua một thế hệ nữa của quần vợt, nếu không muốn nói là sẽ kéo dài 50 năm.
Federer, Nadal và Djokovic đã thay đổi kỳ vọng của giới chuyên môn và người hâm mộ, năm này qua năm khác. Những tay vợt vĩ đại của thế hệ trước như Sampras, Agassi, Edberg, Becker, Lendl hay McEnroe đều có những thất bại nặng nề, nhiều lần thua sớm ở Grand Slam và bế tắc trong việc tìm cách thích nghi với các mặt sân khác nhau.
Khi "Big 3" xuất hiện, họ gần như chiến thắng ở mọi nơi và kéo dài thói quen đó hàng thập kỷ. Những giới hạn của thế hệ trước được "Big 3" vượt qua để thiết lập hàng tá kỷ lục mới. Trong khi thế hệ đàn em không thể bắt kịp họ vì những hạn chế lặp lại của thời Sampars, Lendl. Stefanos Tsitsipas thua ngay vòng một Wimbledon chỉ hai tuần sau khi vào chung kết Roland Garros. Daniil Medvedev thất bại suốt ba tháng của mùa đất nện và sân cỏ, dù vừa vào chung kết Australia Mở rộng. Dominic Thiem đoạt Mỹ Mở rộng 2020 nhưng sa sút thảm hại mùa này và cũng chưa từng thành công ở mặt sân cỏ. Khả năng thích nghi và duy trì sự ổn định kém của nhóm Next-Gen càng cho thấy tầm vóc vĩ đại của "Big 3".
Định luật cũ của làng banh nỉ là ‘Bạn không thể thắng tất cả’ không áp dụng cho Djokovic, Nadal và Federer. Họ thực sự đã thắng tất cả các Grand Slam, trên mọi mặt sân mà không cần thay đổi quá nhiều lối chơi. Federer đã vào bán kết Grand Slam 23 lần liên tiếp, gấp đôi kỷ lục của thế hệ trước. Huyền thoại Thụy Sĩ cũng là người duy nhất năm lần vô địch liên tiếp Mỹ Mở rộng và Wimbledon. Nadal đã đoạt 13 danh hiệu Roland Garros, gấp đôi kỷ lục trước đó. Djokovic thì là người duy nhất vô địch tất cả Grand Slam và Masters 1000 hai lần.
Cả Federer, Nadal và Djokovic đều đoạt các danh hiệu lớn khi ngoài 30 tuổi – khác biệt rõ rệt với thế hệ trước. Quần vợt không thay đổi, chỉ "Big 3" tự tiến hóa và thích nghi với sự khắc nghiệt mới: bề mặt sân ngày càng nhanh, các giải đấu ngày càng nhiều và các tài năng trẻ xuất hiện mỗi tuần. "Big 3" chơi hay hơn thế hệ tiền bối và cho tới lúc này, ở cuối sự nghiệp, họ vẫn hay hơn thế hệ đàn em.
"10 năm qua là hành trình đáng kinh ngạc với chúng tôi", Djokovic nói về "Big 3" sau khi giành chức vô địch Wimbledon thứ sáu hôm 11/7. "Mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đây. Tôi cảm thấy ổn hơn lúc nào hết. Tuổi tác chỉ là con số. Tôi của hiện tại là phiên bản hoàn thiện nhất trong sự nghiệp".
Djokovic tin sự tiến bộ của bản thân được thúc đẩy bởi hai đàn anh Federer và Nadal. Việc Federer và Nadal tiếp tục theo đuổi các kỷ lục đã giữ "Big 3" ở lại với mức độ cạnh tranh cao nhất. Vài năm nữa, đây có thể vẫn là lý do để Djokovic đứng một mình trên đường đua của ba người hay nhất mọi thời đại.
Nhân Đạt