Báo Novostri của Serbia hôm 9/2 cho biết Djokovic được trị thương bởi nữ bác sĩ Marijana tại Belgrade vài năm qua. "Djokovic được trị thương bằng điện trường, theo cách bí mật mà chỉ Marijana biết", bác sĩ Nenad Dikic, người thường điều trị cho các vận động viên Serbia, nói với Novostri.
Djokovic được cho là bị rách 3cm gân kheo khi vô địch Australia Mở rộng tháng trước. Cơ gân kheo là cầu nối giữa xương ngồi với xương cẳng chân, có tác dụng trong việc gập gối hay ưỡn hông về phía sau. Tình trạng của Djokovic có thể xếp vào cấp độ hai. Nếu rách hoàn toàn, anh có thể phải phẫu thuật và cần từ hai đến bốn tháng để hồi phục. Nole dính chấn thương trước giải nhưng không rút lui và chỉ thua một set trên đường đoạt cúp.
Theo bác sĩ Dikic, đồng nghiệp Marijana nổi tiếng với nhiều phương pháp chữa trị dị biệt, bao gồm việc dùng nhau thai cừu, nhưng tất cả đều hợp pháp. Nữ bác sĩ được cho là có 10 năm làm việc tại các phòng thí nghiệm và dược phẩm ở Belgrade. Bà chuyên điều trị chấn thương thể thao, đặc biệt là chấn thương cơ. Năm 2010, Marijana là một trong các bác sĩ của đội tuyển Serbia dự World Cup.
Djokovic thì ưa thích các phương pháp chăm sóc cơ thể tự nhiên, hạn chế can thiệp bằng phẫu thuật. Tay vợt 35 tuổi nhiều năm ngồi thiền, tìm đến những vùng đất có năng lượng đặc biệt để làm mới cơ thể. Nole cũng tin vào việc sử dụng các buồng hyperbaric (liệu pháp điều trị bằng oxy cao áp), nơi cơ thể anh tiếp xúc với oxy tinh khiết ở áp suất cao hơn bình thường. Tại Mỹ Mở rộng 2017, tay vợt Serbia đã mang theo một buồng máy di động lên xe tải.
Djokovic tới nay vẫn chưa tiêm phòng Covid-19 vì lo ngại vaccine ảnh hưởng tới sức khỏe. Anh vì thế lỡ hai Grand Slam và loạt giải ở Bắc Mỹ mùa trước. Nole sẽ lỡ tiếp hai Masters 1000 tại Indian Wells và Miami tháng tới, trước khi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh vào tháng 5.
Vy Anh