Hôm 22/5, Novak Djokovic kỷ niệm sinh nhật 30 tuổi. Anh là tay vợt cuối cùng trong nhóm "Big five", gồm Roger Federer, Rafael Nadal, Stan Wawrinka và Andy Murray, chạm cột mốc này.
Trước đây, 30 tuổi được xem là ngưỡng đánh dấu một tay vợt chuẩn bị bước sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Nhưng gần đây, 30 tuổi giống như khép lại một chương sự nghiệp hơn là chuẩn bị cho hồi kết.
Năm 2002, Pete Sampras vô địch Mỹ Mở rộng ở tuổi 31. Tại giải đấu năm đó, tay vợt từng 14 lần vô địch Grand Slam được xếp hạt giống 17. Một sự trùng hợp khi Roger Federer cũng là hạt giống số 17 khi vô địch Australia Mở rộng đầu năm nay, khi anh đã bước sang tuổi 35.
Trước khi giành Grand Slam cuối cùng, Sampras trải qua hai năm mất phong độ và hứng chịu những chỉ trích. Với Federer, trước năm nay, lần gần nhất anh giành một danh hiệu lớn là từ năm 2012. Nhiều người đã nghĩ "Tàu tốc hành" sẽ dừng bộ sưu tập Grand Slam ở con số 17 khi chứng kiến sự thống trị của Djokovic.
Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, các lão tướng vẫn còn chỗ đứng trên đỉnh cao của quần vợt thời nay. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thống trị của nhóm "Big five" là bởi các tay vợt kế cận như Grigor Dimitrov, Kei Nishikori hay Milos Raonic không thể cạnh tranh với họ. Nick Kyrgios và Alexandre Zverev, người vừa đánh bại Djokovic ở chung kết Rome Masters, tài năng nhưng chưa đủ trưởng thành.
Dĩ nhiên, trường hợp của Djokovic khác với Sampras và Federer. Vài ngày nữa, anh sẽ bước vào Roland Garros với tư cách đương kim vô địch và là hạt giống số hai. Tay vợt Serbia vào bán kết Madrid Mở rộng và chung kết Rome Masters, hai giải gần nhất. Một năm trước, Djokovic áp đảo ATP khi lên ngôi tại Paris nhưng từ đó, phong độ của anh giảm sút một cách bất ngờ.
Djokovic phải tránh sự hụt hẫng của tuổi 30, điều đã xảy ra với Sampras và Federer trước đó. Tay vợt Serbia có lợi thế ở việc anh không có tiền sử bị một chấn thương nặng đeo bám. Vấn đề với Djokovic nằm ở yếu tố tâm lý. Giới chuyên môn đánh giá ở thời điểm này, một khi lấy lại sự tự tin, Djokovic vẫn là một thế lực rất khó đánh bại.
Thừa nhận bản thân đang gặp những vấn đề về đời sống cá nhân mà không cho biết cụ thể, Djokovic chia tay đội ngũ các HLV đã gắn bó với anh trong thời gian dài. Boris Becker tiết lộ tay vợt người Serbia đã không còn tập luyện chăm chỉ như trước đây. Vợ của Djokovic, Jelena, đang mang thai đứa con thứ hai và thật không dễ cho anh xây dựng "một cuộc sống quần vợt mới dựa trên gia đình" như đã nói. Sau tuổi 30, các tay vợt thường vấp phải những khó khăn cá nhân, điều mà họ chưa từng nếm trải khi chỉ tập trung cho chuyên môn trong những năm trước.
Trước khi bước vào Roland Garros, Djokovic thông báo bổ nhiệm Andre Agassi làm HLV. Tất cả những gì anh đã làm trong thời gian gần đây, nhằm thoát khỏi vũng lầy, là làm rõ mục tiêu biến tuổi 30 trở thành sự khởi đầu sau khi khép lại một chương sự nghiệp hơn là chuẩn bị cho một kết thúc không thể tránh khỏi.
Djokovic là một tay vợt mà tất cả các HLV đều muốn có: Dẻo dai, linh hoạt và toàn diện. Những tố chất đó cho phép anh đương đầu với vấn đề tuổi tác. Đang có 12 danh hiệu Grand Slam, kém Federer sáu chức vô địch, Djokovic sẽ đi vào lịch sử nếu cân bằng kỷ lục của đàn anh.
Trong kỷ nguyên Mở rộng, người giành nhiều danh hiệu lớn nhất sau 30 tuổi là Rod Laver với bốn chức vô địch. Tuy nhiên, huyền thoại người Australia làm điều này chỉ trong vòng một năm từ năm 30 đến 31 tuổi. Do đó, Djokovic không thể chậm trễ trong việc trở lại đỉnh cao.
Di Khánh