"Thiền không phải một tôn giáo", Djokovic nói trong cuộc trò chuyện trực tuyến với đồng nghiệp Fabio Fognini hôm 25/4. "Nó là thứ riêng tư mà tôi làm để giữ gìn sức khỏe, trong thời buổi chúng ta bị quá tải thông tin và cảm xúc. Một nhịp thở phù hợp là chìa khóa để hiểu bản thân và cải thiện tinh thần, cảm xúc và thể chất của chính chúng ta. Tôi làm điều đó khi tôi cần sự thanh thản hoặc sau khi tôi thức dậy, để có thêm năng lượng".
Djokovic nhắc đến thiền, khi được Fabio Fognini hỏi về cách anh duy trì sự bình tĩnh và tự tin để vượt qua những thời khắc khó khăn. Trận đấu được Fognini nhắc đến là chung kết Wimbledon 2019 - nơi Djokovic đối mặt với hai match-point trong game cầm giao của Roger Federer. Trận đó, Djokovic thắng sau năm set. Đó cũng là lần thứ ba tại Grand Slam, Djokovic hạ Federer sau khi cứu hai match-point trong set cuối.
"Những bài tập thở có ích hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ", Djokovic nói thêm. "Tôi đã làm điều đó trong một thập kỷ qua. Nó rất hữu ích cả trong và ngoài sân đấu".
Djokovic và Fognini là bạn thân bên ngoài sân đấu. Trong cuộc trò chuyện, hai người cũng thảo luận về hướng đi cho tennis trong tương lai. "Tôi nghĩ tennis thế giới cần tiếp tục phát triển", Djokovic chia sẻ. "Điều tôi muốn nhất là môn thể thao này giảm được số tuổi trung bình của người hâm mộ. Tôi từng nói rằng ở Mỹ và châu Âu, độ tuổi trung bình của CĐV tennis là trên 60. Tôi cũng muốn trong tương lai, các HLV được xuống sân ở các giải Grand Slam. Nhưng họ cần phải chỉ đạo tay vợt sao cho đám đông khán giả và đội ngũ của đối thủ không thể nghe thấy".
Djokovic, trong thập kỷ qua, cho thấy anh là tay vợt bản lĩnh bậc nhất làng quần vợt. 16 trong số 17 Grand Slam của tay vợt Serbia đến trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Nhưng tay vợt 33 tuổi vẫn có những điều nuối tiếc trong sự nghiệp. Trong buổi trò chuyện trực tuyến khác với Andy Murray, Djokovic được hỏi rằng anh muốn thay đổi trận đấu nào nhất trong sự nghiệp. "Tôi nghĩ là hai trận ở Olympic", Djokovic đáp. "Đó là trận bán kết ở London 2012 với anh, hoặc trận bán kết với Nadal ở Bắc Kinh 2008. Trận gặp Nadal, tôi thua ở game giao bóng quyết định set cuối vì một cú smash lỗi, điều tôi nhiều lần mắc phải trong sự nghiệp".
"Tôi may mắn giành đủ bộ Grand Slam và Masters, nhưng chỉ có tấm HC đồng Olympic", anh nói thêm. "Ở Rio 2016, tôi rất tự tin khi bước vào giải vì 15 tháng kế trước là tốt nhất trong sự nghiệp của tôi. Nhưng ở buổi tập trước thềm Thế vận hội, tôi gặp vấn đề ở cổ tay. Dù vậy, đó không phải cái cớ để biện minh cho thất bại ở vòng một trước Del Potro. Tôi đã tiêm giảm đau và cố gắng hết sức. Tôi rất buồn sau thất bại. Tôi nghĩ mình rơi vào nhánh đấu quá khó. Nếu nhánh đấu nhẹ hơn chút, có lẽ tôi có thể làm tốt hơn qua từng vòng".
Nhân Đạt (theo Tennis World)