Đồng Khởi và các đường xương cá xung quanh được xem là khu phố tập trung nhiều khách sạn cao cấp, sang trọng đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao và cửa hàng mua sắm nhất TP HCM. Trước khi dịch bệnh xảy ra, các khách sạn trên tuyến đường này luôn tấp nập, chủ yếu là khách quốc tế. Tuy nhiên, từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, hầu hết các khách sạn chỉ hoạt động cầm chừng, có doanh nghiệp tranh thủ sửa chữa, nâng cấp dịch vụ.
Theo Sở Du lịch TP HCM, số khách sạn đã hoạt động trở lại trên 70%. Tuy nhiên, trong tháng 6, Thành phố không đón được lượt khách quốc tế nào, khiến công suất phòng giảm nghiêm trọng.
Đại diện khách sạn 5 sao Majestic cho biết, lượng khách lưu trú khá thấp, bình quân cả tuần chỉ khoảng 7%, có những ngày không có khách. Nhân viên vì thế cũng được cho nghỉ luân phiên, nghỉ không lương. Lâu nay, phần lớn khách tại đây là người nước ngoài. Vị này đánh giá TP HCM cũng không phải là địa phương có nhiều thế mạnh để thu hút khách du lịch nội địa, hiện thị trường du lịch quốc tế chưa thể mở cửa trở lại, nên hoạt động kinh doanh rất khó khăn.
Tình cảnh trên cũng tương tự tại khách sạn 5 sao Grand Saigon. Theo đại diện khách sạn, công suất phòng luôn đạt trên 90% vào cùng kỳ năm ngoái. Từ khi dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng với khoảng 40% nhân sự. Hiện nay, công suất phòng trung bình của khách sạn chỉ duy trì khoảng 10%.
"Buồn lắm! Nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng duy trì để đảm bảo công việc cho nhân viên. May mắn, khách sạn có thêm dịch vụ nhà hàng phục vụ ăn sáng cho khách không lưu trú nên tạo được việc làm", đại diện khách sạn nói. Hiện nơi này chủ yếu phục vụ khách du lịch nội địa và phần nhỏ khách công vụ.
Tình cảnh có vẻ đỡ ảm đạm hơn tại khách sạn 4 sao Hương Sen, khi công suất phòng bình quân đạt 25 - 30%. Tuy nhiên, H. C, lễ tân khách sạn, bày tỏ: "Công suất phòng này cũng chẳng thấm vào đâu so với cùng kỳ năm ngoái. Tình cảnh ảm đạm này chắc sẽ còn kéo dài đến hết năm 2020 khi dịch bệnh trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến khó lường. Thế giới cũng chưa điều chế được vaccine nên việc khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam hay TP HCM, nếu có cũng rất ít".
Phó Tổng giám đốc của một tập đoàn khách sạn lớn có vị trí trên đường Đồng Khởi cho hay, các khách sạn 4 - 5 sao trong hệ thống giờ chỉ còn ít người nước ngoài thuê phòng dài hạn. Tuy nhiên, đây là những chuyên gia hoặc nhân sự cao cấp làm việc cho các công ty quốc tế ở Việt Nam, không phải khách du lịch.
Anh Phương, chủ của một cửa hàng lưu niệm trên đường Đồng Khởi, đang phải sang nhượng lại mặt bằng 4x20 m với giá thuê 13.000 USD/ tháng, vì không còn đủ vốn duy trì hoạt động.
"Những năm trước, kinh doanh tốt vì khách du lịch tấp nập. Năm nay, dịch bệnh khiến lượng khách du lịch quốc tế tới TP HCM sụt giảm. Không có khách nên hoạt động kinh doanh mua bán cũng ế ẩm theo. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng trên tuyến đường này cũng khá cao, tài chính không đủ mạnh sẽ khó để duy trì", anh Phương nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống và các cơ sở mua sắm trên địa bàn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất các khách sạn ở khu vực nội thành chỉ đạt 30%; khu vực ngoại thành khoảng 40%, hàng trăm lao động du lịch trực tiếp bị ảnh hưởng.
Doanh thu du lịch của TP HCM trong tháng 6/2020 ước đạt 3.882 tỷ đồng, giảm 65,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung tổng doanh thu du lịch trong 6 tháng đầu năm 2020, TP HCM đạt 34.099 tỷ đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ, đạt 23,2% kế hoạch năm.
Nguyễn Nam
Xem thêm