Vụ cướp xảy ra vào khoảng 17h ngày 20/5 tại một chi nhánh ngân hàng thuộc thị trấn Midlothian, bang Virginia (Mỹ). Tên cướp đã dùng súng uy hiếp nhân viên mở két và chạy thoát với 195.000 USD.
Khi cách điều tra thông thường không có kết quả, cảnh sát liên hệ với Google, yêu cầu cung cấp dữ liệu định vị của mọi điện thoại di động trong bán kính 150 m quanh ngân hàng có sử dụng dịch vụ của Google trong thời gian xảy ra vụ cướp. Sau đó, họ nhận được dữ liệu định vị của 19 thiết bị ẩn danh người dùng.
Nhà chức trách loại trừ danh sách trên xuống còn 3 thiết bị khả nghi và tiếp tục lấy thêm thông tin từ Google. Với thông tin mới, cảnh sát thấy rằng một thiết bị đã ở trong ngân hàng khi vụ cướp xảy ra, rời khỏi ngay sau đó rồi di chuyển theo đường đi trùng khớp với lời khai nhân chứng. Khi đã chắc chắn, cảnh sát mới được Google tiết lộ tài khoản email của thiết bị khả nghi.
Qua điều tra, chủ sở hữu của email được xác minh là Okello Chatrie, 24 tuổi. Gặp cảnh sát, người này cho biết có dùng điện thoại Android và dịch vụ Lịch sử vị trí của Google. Okello sau đó bị bắt giữ và khởi tố về tội Cướp có vũ trang vào ngày 13/8.
Phương thức định vị nghi phạm bằng dữ liệu Google như trên có tên gọi là "trát định vị ngược" (reverse location search warrants) hoặc "trát hàng rào địa lý" (geofence warrant). Nó có thể giúp lực lượng chức năng tận dụng bộ dữ liệu thông tin người dùng khổng lồ của Google, qua đó có thể theo dõi gần như bất cứ ai sử dụng thiết bị Android hoặc ứng dụng của Google quanh một địa điểm trong khoảng thời gian nhất định.
Trả lời The New York Times, các điều tra viên cho biết chưa gửi trát định vị ngược cho công ty nào khác ngoài Google, còn Apple cho hay không có khả năng như vậy. Tuy vậy, Aaron Edens, chuyên viên phân tích tình báo của phòng cảnh sát quận San Mateo, bang California, cho hay hầu hết thiết bị Android và một số điện thoại iPhone từng qua tay mình đều có sẵn dạng dữ liệu này từ Google.
So với việc định vị thông qua tháp thu phát sóng điện thoại trước kia (với sai số lên tới vài nghìn mét), kỹ thuật định vị ngược được cho là chính xác hơn với sai số chỉ khoảng 20 m, theo Washington Post. Ngoài ra, dữ liệu định vị ngược được thu thập kể cả khi người dùng không gọi điện hoặc không dùng ứng dụng.
Vì lợi thế này, tần suất cảnh sát sử dụng trát định vị ngược ở Mỹ có vẻ đang có xu hướng gia tăng, theo nhiều luật sư bào chữa và nhà hoạt động về quyền riêng tư. Trả lời The New York Times, nhân viên Google cho biết kỹ thuật tìm kiếm dạng này được sử dụng lần đầu tiên bởi lực lượng chấp pháp liên bang vào năm 2016 và sau đó lan truyền tới các phòng cảnh sát địa phương ở California, Florida, Minnesota, và Washington. Theo một nhân viên giấu tên, Google nhận được tới 180 yêu cầu mỗi tuần trong năm 2019, nhưng công ty này từ chối xác nhận con số chính xác.
Khi ngày càng nhiều cảnh sát sử dụng trát định vị ngược, nhiều nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư bày tỏ lo ngại vì kỹ thuật này có thể ảnh hưởng tới nhiều người vô tội vô tình có mặt tại hiện trường. Theo họ, Hiến pháp Mỹ quy định người dân có quyền không bị khám xét vô cớ, lệnh khám xét do đó thường cần phải chỉ rõ cá nhân cụ thể hoặc căn cứ cho thấy hành vi tội phạm, không thể chung chung đại khái. Một số người so sánh trát định vị ngược với việc cảnh sát vô cớ khám xét đồ đạc của mọi người đi qua khu vực vừa xảy ra vụ móc túi.
Ngoài ra, dù lực lượng chức năng tuân theo quy trình bảo mật dữ liệu người dùng của Google, hiện vẫn chưa có quy định pháp luật chính thức nào ở Mỹ về việc xóa bỏ dữ liệu thu thập được bằng trát định vị ngược sau một thời gian nhất định. Như vậy, có thể xảy ra trường hợp cảnh sát lưu trữ dữ liệu của người vô tình có mặt tại hiện trường để đối chiếu trong các cuộc điều tra sau này.
Ngược lại với mối lo trên, những cảnh sát từng sử dụng trát định vị ngược cho biết kỹ thuật này mang lại nhiều hứa hẹn khi tìm kiếm nghi phạm và nhân chứng. Một số người lập luận rằng trát định vị ngược không vi phạm pháp luật vì người dùng đã bật dịch vụ định vị và cho phép Google theo dõi đường di chuyển của mình.
Hiện, tòa án Mỹ vẫn chưa có án lệ về kỹ thuật điều tra mới mẻ này. Tuy nhiên, vào tháng 6/2018, tòa tối cao Mỹ đã ra phán quyết về việc liệu cảnh sát có cần trát lệnh để trích xuất thông tin từ cột thu phát sóng điện thoại hay không. Theo tòa, lệnh khám là cần thiết vì công nghệ này có thể được dùng để giám sát hành tung của người dân 24/24h, vượt quá phạm vi cần thiết để điều tra tội phạm.
Dù sao đi nữa, với những ưu điểm và hạn chế của mình, trát định vị ngược được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ trở thành trận chiến lớn tiếp theo trên chiến trường bảo mật dữ liệu số, tờ Washington Post nhận định.
Quốc Đạt (Theo NBC News, The New York Times, Washington Post)