Nơi đây là Sở chỉ huy tiền phương trong suốt 81 ngày đêm, là nơi tiếp nhận vũ khí, lương thực, trạm phẫu thuật, là nơi tiếp nhận quân số bổ sung, mỗi đêm một đại đội. Tiếc rằng chúng ta đã không bảo tồn di tích lịch sử vô giá này, dù dưới dạng phế tích.
Trong cuộc chuyện trò với những cựu binh Thành cổ, tôi nghe các anh nói khi trở lại Quảng Trị rất muốn đến thăm lại "Dinh Tỉnh trưởng", nhưng không biết bây giờ nó nằm ở đâu. Trước kia Dinh Tỉnh trưởng nằm cạnh Bến Vượt bờ Đông sông Thạch Hãn.
Tôi tra vị trí "Dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị" trên Google và các bản đồ cũ, nhưng không thể định vị nó nằm ở vị trí nào trên bản đồ Thành phố Quảng Trị mới, càng không thể xác định cái ô vuông bé xíu ấy trên thực địa. Tôi thử lục tìm trong văn học xem có biết gì hơn. Mọi người nói cho tới nay, Gió Dại của Bảo Ninh và Cỏ Lau của Nguyễn Minh Châu được coi là hai truyện ngắn xuất sắc về Quảng Trị thời ấy.
Nhưng Cỏ Lau thì đã từ rất lâu không được in lại, còn Gió Dại hình như có vấn đề với câu kết, nên rất khó tìm. Văn chương giống như phim ảnh, càng cấm, càng khó kiếm, càng gây tò mò. Và... mò mãi cũng phải ra. Nhưng Gió Dại không mô tả cụ thể Thành cổ. Cỏ Lau còn tệ hơn, di Dinh Tỉnh trưởng từ phía Tây ra tận góc Đông nam của Thành.
Tìm hiểu qua các hướng dẫn viên, tôi được biết Dinh Tỉnh trưởng hiện giờ nằm đâu đó phía dưới Quảng trường mới, giữa Thành cổ và sông Thạch Hãn. Nhưng quảng trường rộng mênh mông, làm sao biết được chính xác vị trí ngôi nhà từng là Sở chỉ huy của chiến dịch đẫm máu nhất lịch sử Chiến tranh Việt Nam.
Rất may, trong một buổi chiều muộn của đợt đi làm công tác xã hội ở Quảng Trị hồi tháng 5 vừa rồi, tôi tình cờ gặp người ở trong một cơ quan, đang đóng trên khuôn viên Dinh Tỉnh trưởng cũ. Anh bảo chính quyền thị xã có ý định làm một dự án phục hồi di tích Sở chỉ huy chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 ở khu sân phía trước cơ quan.
- Chỗ đấy có phải là nhà tỉnh trưởng cũ không?
- Chính xác anh ạ.
- Thế sao dự án không gọi đúng tên của nó là Dinh Tỉnh trưởng?
- Mọi người sợ dùng tên ấy gợi nhớ đến chế độ cũ.
Nhìn những lớp sóng đen và lạnh xô bờ, tôi cảm thấy buồn buồn. Không lẽ 45 năm sau cuộc chiến, ở đâu đó khái niệm "bên này - bên kia" vẫn len lỏi chia đôi dòng sông Thạch Hãn?
Ngày ấy ở miền Nam, gia đình, dòng họ nào chả có người mặc áo lính, không phía bên này thì phía bên kia. Chiến tranh đã bắt họ cầm súng bắn vào những người anh em của mình, dù họ muốn hay không. Ngày nay, vào dịp tháng Bảy hàng năm, những người cựu chiến binh lại trở về Thành cổ, về nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9... Tôi đã thử hỏi họ một câu hỏi giống nhau: "Khi thắp hương cho đồng đội, các anh có tha thứ cho những người lính Việt Nam Cộng hoà ngày đó đã bắn anh em của mình?" Hầu như tất cả đều gật đầu. Một số cựu binh còn ghé những ngôi mộ vô danh của người "Phía bên kia" trong Nghĩa trang Đường 9, thắp một nén nhang...
Những người lính đi qua cuộc chiến, đã khuất và còn sống, hiểu về thân phận con người trên chiến trường hơn chúng ta. Vì thế, họ vị tha và nhân hậu hơn. Điều đáng tiếc là dù đã cố gắng, tôi không thể tìm được ở Quảng Trị một cựu binh nào của Quân lực Việt Nam Cộng hoà từng tham chiến ở Thành cổ trong Mùa hè đỏ lửa 1972 để phỏng vấn. Tôi đành tìm gặp họ ở Washington DC, trong một chuyến công du nước Mỹ. Khi tôi hỏi người sĩ quan Thuỷ quân lục chiến câu hỏi giống như tôi hỏi các anh bộ đội miền Bắc ở nghĩa trang Đường 9, anh trả lời: "Đất nước có chiến tranh, thanh niên ở dưới chế độ nào chả phải cầm súng. Người ta đâu lựa chọn được chính quyền nơi mình sinh ra, cũng như đâu lựa được cha mẹ. Đều là con dân đất Việt cả, thù hận để làm gì. Tôi vẫn về Việt Nam chơi, hai, ba năm một lần. Càng già, người ta càng nhớ quê hương. Tôi quen nhiều anh trong Bộ Quốc phòng lắm. Lần nào các anh ấy qua Mỹ cũng liên lạc với tôi..."
Chiến dịch Quảng Trị đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Những cựu binh ngày đó lần lượt rời cõi tạm, những dữ liệu dần dần được công bố, cho dù cũng chưa hoàn toàn chính xác.
Điểm qua vài con số của bộ đội miền Bắc: Hy sinh và mất tích hơn 14.000 người, thương binh hơn ba vạn, bệnh binh (qua quân y) hơn hai vạn... Sau 45 năm, cuộc chiến ấy sẽ vẫn còn để lại những vết thương chưa lành. Chiến tranh chỉ thực sự qua đi khi chúng ta cùng chung tay hàn gắn, từ những điều tưởng như là nhỏ. Nếu một ngày nào đó, tỉnh Quảng Trị phục dựng Sở chỉ huy chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972, tôi rất muốn giữ nguyên cái tên cũ, Dinh Tỉnh trưởng.
Chúng ta đã bắt tay với những quốc gia từng xâm lược đất nước mình, quên đi thù hận để nghĩ tới tương lai, tại sao lại sợ gọi một chứng tích chiến tranh đúng như tên của nó: Dinh Tỉnh trưởng.
Bình Ca