Hàng sa mộc đứng uy nghiêm, thân rắn chắc, cao vút suốt dọc hai bên bậc tam cấp lên khu dinh như hai hàng lính canh sừng sững. Dinh thự không lớn với tường đá bao quanh, dày 80 cm và cao 3 m. Toàn bộ ngôi nhà được dựng bằng đá xanh, gỗ thông, gỗ pơmu và "ngòi" đất nung được chạm trổ tinh xảo và mái ngói âm dương. Tất cả đã phủ màu rêu xanh của thời gian.
Dinh thự có 3 gian: gian ngoài, gian giữa và gian trong được bố trí hài hòa với khoảnh sân lát đá làm nhiệm vụ đón ánh sáng. Trong gian chính vẫn còn hình chụp của đại gia đình Vương Chính Đức. Mỗi căn phòng đều có ghi rõ gian nhà, phòng của bà cả, bà hai, bà ba, phòng của gia nhân, kho thuốc phiện… Dù giữa trưa nắng, những gian nhà vẫn mang cảm giác âm u và lạnh lẽo.
Người dân nơi đây còn kể lại, Vương Chính Đức đã mời thầy địa lý người Trung Quốc đi khảo sát khắp vùng để tìm đất xây dinh thự này. Khi đến thung lũng Sà Phìn, thầy địa lý đã chọn nơi đây bởi địa thế nổi lên như mai rùa, coi như là nơi thần kim quy dựng nghiệp. Dinh thự họ Vương ngày trước làm trong ba tháng mới xong, vững chắc và cùng với dãy sa mộc vươn cao khiến ngôi nhà mang hình chữ Vương độc đáo.
Dòng họ Vương đã làm chủ cao nguyên đá Đồng Văn (gồm bốn huyện phía Bắc của Hà Giang) trong một thời gian dài. Cho đến bây giờ người họ Vương vẫn rất giỏi giang, thông minh và thành đạt. Căn nhà có tuổi đời gần 100 năm, trải qua nhiều biến cố thăng trầm và ghi dấu một thời từng là ngôi nhà quyền uy nhất của vùng Hà Giang rộng lớn, phía sau cánh cổng Trời Quản Bạ.
Dinh họ Vương bắt đầu được chuyển thành điểm tham quan vào năm 1993, sau khi được bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Kể từ đó cho đến nay, ngôi nhà không dùng làm nơi ở nữa mà phục vụ cho du lịch và tham quan. Xung quanh nhà đều là các gia đình con cháu dòng họ Vương. Bán vé vào cổng là một cô cháu gái họ xa của vua Mèo năm nào.
Đứng từ trên con đường lộ nhìn xuống, dinh họ Vương bề thế nổi bật giữa thung lũng. Đó là một trong những điểm dừng chân thú vị nhất của mảnh đất cao nguyên Đá Hà Giang.
Lam Linh