Hóa ra hai bánh xe bên phải đã hết sạch hơi. Cố bò một đoạn, tôi tìm được hàng sửa xe. Ở đó, tôi phát hiện ba chiếc đinh nhọn đâm vào lốp xe. Tôi mất một khoản tiền vá lốp, hai con tôi đi học muộn. Thiệt hại như thế là không đáng kể so với những tình huống tương tự xảy ra với người khác.
Tình trạng rải đinh ra đường không phải đề tài mới đối với báo chí. Trên các cây cầu, các con đường quốc lộ đều ít nhiều, thi thoảng hay liên tục phát hiện những vật nhọn làm bằng thép nằm im lìm. Mới đây nhất, một tài xế di chuyển trên quốc lộ 36 (đoạn qua huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) cũng đã phản ánh về việc đinh được đóng vào tấm xốp rải trên đường quốc lộ nhằm bẫy phương tiện tham gia giao thông. Theo tài xế, đó là những chiếc đinh vít chuyên dùng để bắn tôn được ngụy trang dưới những tấm xốp to bằng bàn tay.
Hàng trăm chiếc đinh vít như vậy. Một số cắm vào dàn lốp chiếc xe tải Hyundai 5 tấn của tài xế tên Mạnh khiến anh phải bỏ ra gần 30 triệu đồng thay lốp.
Nhận được thông tin, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhanh chóng “vào cuộc” bằng việc… đưa ra tuyên bố: hành vi rải đinh là vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông, vô cùng nghiêm trọng, gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông.
Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề nghị Ban ATGT tỉnh Sơn La chỉ đạo các cơ quan thành viên "điều tra, làm rõ hiện tượng trên, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các đối tượng vi phạm".
"Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật" ở đây có thể là phạt tiền đến 8 triệu đồng đối với hành vi "ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ" theo khoản 6, Điều 11 Nghị định số 46/2016 kèm theo việc bắt buộc thu dọn đinh, vật sắc nhọn đó.
Còn theo Bộ luật Hình sự năm 1999 thì hành vi "cản trở giao thông đường bộ" như việc rải đinh có thể bị tù đến 10 năm nếu "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng". Thậm chí "phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời" cũng có thể ngồi tù đến một năm.
Tuy nhiên, do khái niệm "cản trở giao thông đường bộ" hiện vẫn chưa định nghĩa rõ (như trong Bộ luật Hình sự năm 2015) nên đã có "đinh tặc" bị xử lý về tội danh "hủy hoại tài sản" hoặc "cố ý làm hư hỏng tài sản". Và cũng có rất ít "đinh tặc" bị phát hiện chứ chưa nói đến xử lý hình sự.
Lập luận thường thấy của cơ quan chức năng là "chưa có thiệt hại thực tế" hay khi có thiệt hại thì rất khó xác định thiệt hại đó có phải xuất phát từ cây đinh của "đinh tặc" nào. Nên nạn rải đinh vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi nhưng những nỗ lực của chính quyền mới chỉ dừng lại ở việc tuần tra, hay những biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết nhiều khi không hiệu quả bằng cách cào, hút các mảnh đinh rải ra đường của những người mà dư luận gọi là "hiệp sĩ".
Dường như cơ quan chức năng đang bó tay. Nỗ lực ít ỏi mà tôi thấy là việc sửa đổi Bộ luật Hình sự trong đó quy định rõ hành vi "để trái phép vật sắc nhọn" vào cấu thành "Tội cản trở giao thông đường bộ" trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (rất tiếc là chưa được thực thi). Do vậy, hành vi kinh doanh trên sự mất mát, nỗi đau của đồng loại vẫn tiếp diễn ở nhiều nẻo đường trên đất nước. Hành vi mà một tờ báo từng mô tả là "vô đạo đức" thực ra là vi phạm pháp luật.
Đã đến lúc, không chỉ thu dọn những chiếc đinh trên đường mà cần quét sạch những chiếc đinh trong đầu những kẻ hám lợi, bằng công cụ pháp luật chứ không chỉ bằng những bản cam kết vô tri.
Việc đầu tiên của cuộc chiến chống lại hành vi tội phạm này, là định nghĩa chặt chẽ về nó thay vì một loạt những điều khoản khó xác định như luật hiện nay.
Thực sự, tôi cũng không dám nghĩ đến tình huống hôm đó, nếu tôi đi với tốc độ cao hơn, đường đông hơn, thì điều gì đã xảy ra.
Và có thể, ở đâu đó, có những nạn nhân của “đinh tặc” đã không còn cơ hội thở phào như cha con tôi.
Trần Anh Tú