Những ngày qua làng quê miền Tây thanh bình bỗng xôn xao trước thông tin có một số người ăn mặc sang trọng chạy xe tay ga về các xã vùng sâu nhờ bà con tìm tắc kè bán cho họ với giá 30-40 triệu đồng/con nếu tắc kè đạt trọng lượng từ 300gram trở lên. Nếu loại nhỏ hơn thì giá 3-5 triệu đồng/con.
Hay tin, anh Nguyễn Văn Hậu ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) ngưng chạy xe ôm đi rình mò suốt ngày ở các lùm tre, chùa miếu để tìm bắt tắc kè với hy vọng đổi đời. Thế nhưng, khi anh bắt được 5 con tắc kè, mỗi con nặng khoảng 100 gram mang đến các quán cà phê trên địa bàn bán theo lời đồn thì không người nào chịu mua.
Theo anh Đoàn, đi săn tắc kè nhiều năm anh chỉ bắt được tắc kè loại khoảng 100gram/con như thế này. Ảnh: Thiên Phước. |
Tương tự, anh Út Đoàn ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cũng được một nhóm thanh niên ăn mặc sang trọng đặt hàng mua tắc kè giá mỗi con một triệu đồng. Vốn là một "thợ săn" tắc kè nên sau khi bắt được trên 10 con anh Đoàn chờ một tuần theo lời hẹn nhưng không thấy người nào quay lại mua.
Theo anh Đoàn, nhóm người lạ từng "thổi" với anh rằng hiện thế giới đang "sốt" loài bò sát này vì nó trị được nhiều thứ bệnh, trong đó có cả bệnh AIDS. "Họ còn nói nếu bắt được tắc kè nặng 500gram sẽ có người mua giá nửa tỷ đồng mỗi con. Nhưng chuyên bắt loài này nhiều năm, tôi chưa bao giờ bắt được con nào nặng đến 300 gram thì làm sao mà tìm được tắc kè 'khủng' như vậy. Giờ mới biết bị gạt nhưng không biết mục đích của họ là gì", anh Đoàn nói.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, những ngày gần đây có rất nhiều nông dân đi sâu vào các khu rừng già trong tỉnh để tìm tắc kè vì có thông tin có người mua tắc kè với giá cao.
Ông Lê Tuấn Kiệt - Phó Phòng thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang - cho rằng tắc kè nuôi trong nhà dân hơn chục năm cũng khó đạt trọng lượng 300gram/con nhưng sống ở môi trường hoang dã có nhiều thức ăn thì nó có thể lớn nhanh hơn nhưng muốn tìm được tắc kè to như vậy thật cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy, cơ quan chức năng ở các tỉnh miền Tây xác định rằng giá tắc kè lên cơn "sốt" trong thời gian qua chỉ là tin đồn thất thiệt nhưng chưa xác định rõ được mục đích của những người tung tin.
Trao đổi với VnExpress.net, thượng tá Ngô Thành Thật – Trưởng Công an huyện Giá Rai (Bạc Liêu) – cho biết nghe tin đồn trên xuất hiện trong tuần qua nên đã cử trinh sát kiểm tra xem thực hư ra sao.
Theo thượng tá Thật, thông tin ban đầu thì một số người nói mua tắc kè lớn với giá 6 triệu đồng/con nhưng sau đó xác minh kỹ lại mới biết chỉ có 6 triệu đồng/kg. Vị trưởng công an huyện cho rằng có khả năng những người mua tung ra tin giá cao để nhiều người đổ xô đi bắt, tạo được nguồn hàng nhiều rồi sau đó hạ xuống 6 triệu đồng/kg để với mục đích kinh doanh kiếm lời.
Trong khi đó, chị Hứa Ngọc Kiều ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) có mối bán tắc kè đều đều cho các tiệm thuốc Bắc ở TP HCM nên không cần phải chờ bán cho những người lạ mặt nói giá trên trời. Chị Kiều cho biết tháng nào chị cũng đến các ngôi chùa ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu... săn tắc kè mang về móc ruột, phơi khô chuyển lên TP HCM bán với giá 100.000 đồng mỗi con. Sản phẩm được bán cho những ông mắc chứng "trên bảo dưới không nghe".
Thiên Phước